Khởi nghiệp vì xã hội: Từ ý tưởng đến thực tiễn
Bài 1: Doanh nghiệp xã hội sẽ “lên ngôi”
Hiện nay, nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp đã lựa chọn mô hình doanh nghiệp xã hội (DNXH). Đây là dấu hiệu tích cực trong thay đổi nhận thức lớp trẻ, nhận thức cộng đồng, hướng đến sự nhân văn ngay từ khi hình thành ý tưởng kinh doanh.
Cơ hội cho giấc mơ làm chủ
Theo đại diện các chương trình Phát triển và Xã hội, Hội đồng Anh thì mô hình DNXH sẽ là một cơ hội lớn cho những bạn trẻ đang nung nấu giấc mơ “người làm chủ”. Bởi mô hình này đã, đang và sẽ trở thành xu hướng thịnh hành tại Việt Nam. Việt Nam cần phát triển DNXH vì nhiều nguyên nhân như sự tăng trưởng nhanh dẫn đến các vấn đề xã hội gia tăng; sự lạm dụng quá mức nguồn tài nguyên; tác động tiêu cực của biến đối khí hậu; tỉ lệ thất nghiệp cao; gánh nặng về chăm sóc sức khoẻ và phúc lợi xã hội; an toàn thực phẩm… Vì vậy đã đến lúc mô hình kinh doanh mới mẻ này cần nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ phía Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các nhà đầu tư...
Phát triển từ mô hình DNXH, chị Nguyễn Huyền Phương, đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Tổ chức tình nguyện vì giáo dục V.E.O đánh giá: “Cơ hội khởi nghiệp từ mô hình DNXH rất lớn bởi xu hướng sống cống hiến vì cộng đồng ngày càng cao. Ngoài ra, các bạn được tiếp xúc với rất nhiều tổ chức nước ngoài, nhiều mô hình, quỹ đầu tư từ nước ngoài và các cuộc thi khởi nghiệp. Từ đó, các bạn được đồng hành hỗ trợ từ việc triển khai ý tưởng đến kết nối. Gia đình và xã hội cũng đã cởi mở hơn trong vấn đề khởi nghiệp, làm việc ngoài Nhà nước, chứ không còn bị gò bó về việc phải vào biên chế, làm việc cho các cơ quan Nhà nước nên các bạn không còn cô đơn khi khởi nghiệp”.
Bên cạnh những cơ hội to lớn đó, các bạn trẻ sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. PGS.TS Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc trung tâm Sáng tạo xã hội và khởi nghiệp nhận định: “Giống như câu chuyện khởi nghiệp ở bất cứ lĩnh vực nào, khởi nghiệp vì xã hội cũng có tỉ lệ thất bại cao nên các bạn cần chuẩn bị tinh thần cho sự thất bại. Tuy nhiên, các bạn là những người trẻ còn nhiều thời gian nên thất bại đó chính là cơ hội trải nghiệm, là bài học. Trong quá trình hỗ trợ khởi nghiệp, chúng tôi quan sát thấy, ý thức về khởi nghiệp của các bạn hiện nay rất khác. Họ không còn coi thương trường là chiến trường như trước mà đã theo đuổi chiến lược “đại dương xanh” rất nhiều, tức là các bạn đã biết hợp tác với nhau rất chặt chẽ, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Họ nhìn câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo vì xã hội là một cơ hội tất yếu. Nhiều bạn nói với tôi rằng, em sẵn sàng bỏ start-up về công nghệ để làm start-up về xã hội, vì nếu không giải quyết và lồng ghép các vấn đề xã hội vào thì hoạt động marketing, truyền thông sẽ rất khó khăn”.
Vẫn còn mơ hồ
Qua cuộc phỏng vấn khảo sát của báo Tuổi trẻ Thủ đô với các bạn trẻ trường ĐH Kinh tế quốc dân cho thấy, những băn khoăn của họ về khởi nghiệp sáng tạo vì xã hội tập trung ở một số vấn đề như: Chưa tự tin ở bản thân, lo sợ thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn, chưa hiểu rõ về mô hình DNXH…
Bạn Nguyễn Quỳnh Minh Anh, sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ: “Em rất muốn gây dựng mô hình kinh doanh với mục tiêu vì xã hội của riêng mình. Tuy nhiên, em lo lắng sẽ gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm về chuyên môn, không lường trước được rủi ro khi bắt đầu”.
Sáng tạo xã hội, tinh thần kinh doanh vì xã hội là những khái niệm đã được phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Ở Việt Nam, dù đã có ít nhất gần 200 tổ chức được cho là đang hoạt động đúng theo mô hình DNXH nhưng những quan niệm về nó vẫn còn mơ hồ. Nhiều bạn trẻ chưa phân biệt được sự khác biệt giữa tinh thần khởi nghiệp nói chung và tinh thần khởi nghiệp vì xã hội.
GS.Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân phân tích, tinh thần khởi nghiệp vì xã hội là quá trình nhận biết và theo đuổi một cách tận tâm các cơ hội để tạo ra giá trị xã hội. Tinh thần khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp vì xã hội có nhiều nền tảng tương đồng nhưng cũng có những điểm khác biệt cơ bản. Mặc dù đều nhận ra cơ hội và chuyển hóa nó thành hoạt động kinh doanh nhưng sự khác biệt ở đây là doanh nhân xã hội nhận ra cơ hội thị trường từ vấn đề xã hội cần giải quyết và theo đuổi một cách nghiêm túc.
Ngoài ra, một đặc điểm khác biệt nữa là khởi nghiệp thương mại thông thường không nhất thiết đòi hỏi đổi mới và sáng tạo. Trong khi đó, khởi nghiệp vì xã hội nhất thiết phải có yếu tố đổi mới và sáng tạo, đổi mới trong giải pháp giải quyết vấn đề xã hội hoặc đối tượng thị trường phục vụ.
Tinh thần khởi nghiệp vì xã hội được nhấn mạnh với bốn vai trò chính. Một là, doanh nghiệp xã hội sẽ tạo ra việc làm cho nhiều nhóm người yếu thế; Hai là, họ có sáng tạo và đổi mới sản phẩm, dịch vụ. Có thể thấy tính đổi mới và sáng tạo được nhấn mạnh hơn nhiều ở hoạt động kinh doanh xã hội, thể hiện ở cả mô hình kinh doanh, thị trường mục tiêu hoặc chính sản phẩm, dịch vụ mới mà các doanh nghiệp thương mại truyền thống thường bỏ qua vì thị trường được coi là không có tiềm năng hoặc mang lại ít lợi nhuận kỳ vọng. Đây cũng là một cống hiến quan trọng của khu vực doanh nghiệp xã hội đóng góp cho nền kinh tế và tính sáng tạo, đổi mới nói chung của xã hội; Ba là, bản thân những doanh nhân xã hội phải dựa nhiều vào các mạng lưới mối quan hệ như là một nguồn lực quan trọng để phát triển hoạt động kinh doanh. Chính kinh doanh xã hội đóng góp vào phát triển niềm tin, vào tính đạo đức, tâm thiện nguyện của xã hội; Bốn là khuyến khích công bằng trong xã hội. Tính xã hội của tinh thần kinh doanh xã hội là việc phân phối lại sự công bằng trong xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo, tạo điều kiện cho người yếu thế được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ, cơ sở hạ tầng cơ bản của xã hội.
Đến nay, Việt Nam đã có một hệ sinh thái với các cấu phần khá đầy đủ cho việc phát triển tinh thần khởi nghiệp vì xã hội như: Khung pháp lý với Luật Doanh nghiệp sửa đổi và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành; Có các tổ chức trung gian phát triển doanh nghiệp xã hội như CSIP và Spark, đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao nhận thức, phát triển doanh nghiệp xã hội, bao gồm cả hoạt động nâng cao năng lực và đầu tư vào doanh nghiệp xã hội; khoảng 1.000 tổ chức, doanh nghiệp tự coi mình là doanh nghiệp xã hội và các doanh nghiệp có các đặc điểm tương tự.
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp xã hội hiện tại mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chưa dễ dàng tìm được doanh nghiệp có năng lực mở rộng quy lớn vào thời điểm hiện tại ở mảng kinh doanh xã hội tại Việt Nam.
(Còn nữa)