Khích lệ học trò sáng tạo bằng trải nghiệm thực tế
Cô giáo Dương Thị Thu Hà nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm học 2017 - 2018
Bài liên quan
Hà Nội: Giáo viên thay đổi vì trường học hạnh phúc
Hà Nội tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu năm 2018
Giáo viên Hà Nội trăn trở với những tâm huyết, sáng tạo
Hà Nội: 100 nhà giáo tâm huyết, sáng tạo được tuyên dương
Mỗi thầy cô là một tấm gương tự học, tự sáng tạo
Công đoàn Giáo dục Hà Nội gặp mặt các gia đình nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn
“Qua quan sát trên lớp, tôi nhận thấy nhiều học sinh có kiến thức rất vững, điểm số luôn tốt nhưng lại thiếu những kiến thức sơ đẳng về kỹ năng sống. Học sinh trung học phổ thông rồi mà thậm chí phải uốn nắn từng lời nói, cử chỉ. Ý định rèn kỹ năng sống cho học sinh nảy sinh từ đó”, cô Dương Thị Thu Hà tâm sự.
Từ năm học 2017 - 2018, khi bắt đầu đón lứa học sinh đầu cấp, cô Hà đã xây dựng chương trình, kế hoạch và tự mình đi liên hệ, phối hợp với các đơn vị xây dựng các hành trình trải nghiệm thực tế.
Mở đầu là cuộc hành quân của cô và trò đến Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam. Chuẩn bị cho chuyến đi, cô Hà đã đến trước để tìm hiểu thực địa và nói rõ nhu cầu, nội dung tìm hiểu của các học sinh để cơ sở phối hợp, sắp xếp. Một mặt chuẩn bị tại cơ sở, lên kế hoạch mời giảng viên thuyết trình, mặt khác khi về lớp, cô Hà chia 35 học sinh thành nhiều nhóm, cử nhóm trưởng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bạn trong nhóm của mình.
“Lần đầu tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế, có khá nhiều học sinh nghĩ chuyến đi giống như một cuộc tham quan. Tuy nhiên, khi trực tiếp bắt tay vào các hoạt động, các học sinh mới vỡ ra nhiều điều mà trước đó các em không hề nghĩ tới”, cô Hà chia sẻ.
Trong chuyến đi đó, các học sinh phải đi sâu vào rừng, từng nhóm chia nhau đi tìm mật thư của cô giáo chủ nhiệm chuẩn bị sẵn, giấu tại những địa điểm bí mật. Chỉ đến khi tìm thấy tất cả các mật thư và trả lời được các câu hỏi trong đó, chuyến hành trình của các nhóm mới kết thúc, đồng nghĩa với việc số lượng kiến thức học sinh thu thập được không hề nhỏ.
Trong mỗi chuyến đi, bên cạnh việc giúp các học sinh bổ sung kiến thức bài vở, cô Dương Thị Thu Hà luôn chú trọng giáo dục về kỹ năng sống cho các em. Học sinh tự ra vườn cắt rau, làm thịt gà, nấu cơm, nấu món ăn… làm sao để có bữa ăn vào buổi trưa hôm trải nghiệm.
Mỗi chuyến đi trải nghiệm, học sinh được lĩnh hội rất nhiều kiến thức liên môn: Tìm hiểu sự đa dạng sinh vật và trách nhiệm của học sinh tại Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam; tìm hiểu dinh dưỡng và hoạt động nấu ăn tại Công ty Ajinomoto; học tập và định hướng nghề nghiệp tại Đại học FPT và Đại học Bách khoa Hà Nội; tìm hiểu các ký sinh trùng gây bệnh tại Học viện Edufarm; Tìm hiểu về làng nghề truyền thống tại làng lụa Vạn Phúc từ đó giúp hình thành các kĩ năng sống, giao tiếp và học tập của học sinh.
Đặc biệt, qua các chuyến đi trải nghiệm, cô Hà đã phát hiện ra nhiều tài năng đặc biệt của học sinh: có bạn thích nấu ăn, bạn lại thích chế tạo thiết bị Vật lý, có bạn lồng tiếng và quay phim rất hay, bạn khác lại có năng khiếu kinh doanh…
Trong chuyến đi tìm hiểu về làng lụa Vạn Phúc, các học sinh đã chia nhóm làm nên những video clip giới thiệu về lụa Vạn Phúc rồi gửi tham gia chương trình Tự hào Việt Nam và đã đạt giải Nhì quốc gia.
Sau mỗi chuyến đi, cô Hà lại tổ chức một buổi sinh hoạt lớp để nhận xét, rút kinh nghiệm đối với từng nhóm học sinh, thậm chí từng học sinh. “Thông qua những hoạt động nhóm, tôi quan sát và nhận thấy những điểm mạnh, lợi thế của từng học sinh. Từ đó, tôi đã phân tích và tư vấn cho các em về những định hướng nghề nghiệp sau này. Nhiều hoài bão, ước mơ cho tương lai đã được các em mạnh dạn nói ra và tôi luôn tôn trọng sự lựa chọn của học sinh”, cô Hà tâm sự.
Từ năm 2014 đến nay, cô Hà đã cùng đồng hành với học trò trải qua nhiều chuyến phiêu lưu khám phá và sáng tạo khoa học. Năm học 2018, chia sẻ với những vất vả của các thầy cô giáo giảng dạy trẻ Down và sự khó khăn trong học tập của trẻ Down, cô Hà và các học trò mất 6 tháng mày mò nghiên cứu nội dung, phương pháp, đặc điểm của trẻ Down để thiết kế thiết bị PSE hỗ trợ trẻ Down học chữ cái thông qua các chủ đề kĩ năng sống. Dự án này được các thầy cô giáo và trẻ Down đón nhận rất nồng nhiệt, đồng thời lọt vào top 15 dự án xuất sắc nhất toàn quốc chương trình Tri thức trẻ vì sự nghiệp giáo dục năm 2018.
Bằng những đóng góp của mình, cô giáo trẻ đã nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng, danh hiệu cao quý: 7/12 năm công tác đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giải Nhất kì thi giáo viên giỏi cấp thành phố; giải Ba sáng tạo đồ dùng dạy học cấp Thành phố; giải Ba cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn vào dạy học... Cô cũng vinh dự được Công đoàn ngành Giáo dục tặng giấy khen “Cô giáo giỏi việc nước, đảm việc nhà”; Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ nhất; Top 15 Tri thức trẻ vì sự nghiệp Giáo dục năm 2018…