Khi việc học online trở thành nơi "đối đầu"...
Tâm sự thầy giáo trẻ: “Dạy con mình như nào, dạy học sinh cũng thế!” Ngăn chặn bạo lực học đường bằng những giải pháp thiết thực, cụ thể Nhức nhối vấn nạn bạo lực học đường |
Khi vụ việc thầy giáo “đuổi” học sinh khỏi lớp học chỉ vì yêu cầu giảng lại chưa nguôi thì lại xuất hiện vụ việc cô giáo dạy Văn xưng mày - tao, chửi mắng học sinh bằng những từ ngữ nặng nề. Mới đây, cộng đồng mạng tiếp tục lan truyền đoạn clip ghi lại buổi học online với sự việc sinh viên thách thức “solo” với thầy bằng cả những lời nói hỗn láo, thô tục...
Do dịch bệnh kéo dài hầu hết các nhà trường chuyển sang phương thức học trực tuyến |
Lỗi tại dịch bệnh?
Nhiều ý kiến đã cho rằng, tình hình dịch bệnh kéo dài là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây sức ép không nhỏ tới giáo viên, học sinh trong quá trình học trực tuyến.
Điển hình là 3 vụ việc kể trên đang dấy lên hồi chuông cảnh báo và nỗi lo lắng không nhỏ về người trẻ nói chung và môi trường học đường nói riêng.
Ở nhiều tỉnh thành, dịch bệnh đã sản sinh ra không ít áp lực đè nặng lên vai cả thầy và trò. Nhiều giáo viên tâm sự, việc dạy học trực tuyến khiến họ luôn phải chạy theo số tiết để đảm bảo duy trì đúng mạch trong chương trình. Không những thế, việc giảng giải trực tuyến cũng cần giáo viên đặt nhiều tâm huyết hơn. Họ luôn đau đáu về phương thức dạy học, làm sao để học sinh đều hiểu bài, nắm rõ kiến thức mà không bị dịch bệnh làm cản trở tiến độ.
Bạo lực học đường, nỗi lo lắng của rất nhiều bạn trẻ (Ảnh minh họa) |
Về phía học sinh, dịch bệnh khiến việc tự học càng được đề cao, nhất là với những học sinh cuối cấp và sinh viên đại học. Tuy vậy, để duy trì say mê, niềm hứng thú với việc học một mình không phải điều dễ dàng. Những lý do này tạo nên áp lực lớn cho cả 2 phía thầy và trò.
Học cách kiềm chế chưa bao giờ là thừa
Sự việc chàng sinh viên thách thức thầy giáo “lên phòng đào tạo solo” đã nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng xã hội. Nhân vật chính hiện tại đang đối mặt với chấn thương tâm lý do sự công kích quá lớn từ phía cư dân mạng.
Không phải lương tâm, hay lời răn dạy từ bố mẹ… hình phạt lớn nhất mà chàng trai này phải đối mặt chính là sự khiển trách từ bạn bè, người thân, xa hơn chính là cả một cộng đồng “ảo” trên mọi nền tảng xã hội. Đoạn clip được lan truyền với tốc độ chóng mặt chỉ sau vài ngày. Những bài đăng tố cáo anh chàng đều có điểm chung với lượt react “Angry” dẫn dầu, theo sau là những bình luận bức xúc trước thái độ không thể chấp nhận.
Tham gia các hoạt động tình nguyện, người trẻ thêm nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng ứng xử, phát triển nhân cách |
Có thể nói, đi cùng với những đoạn clip ghi lại sự đối đáp “nảy lửa” của cậu sinh viên với thầy giáo, hầu hết dân chúng sẽ tò mò tiếp về ngôi trường nơi xảy ra vụ việc. Không mất nhiều thời gian, nhiều “thám tử mạng” đã nhanh chóng điều tra ra tên trường, địa điểm, thậm trí là tên những nhân vật trong clip.
Khi tiếp cận với những đoạn clip trên, nhiều người cũng nhận ra, không phải cho đến tận bây giờ việc sử dụng ngôn ngữ, hành xử và ứng xử người trẻ mới đáng lo lắng như thế.
Không ít bạn trẻ đã không còn quá xa lạ với chuyện nói tục như cơm bữa, tỏ thái độ “thích gì nói nấy”, không cần biết kiềm chế và chừng mực, không còn giữ phép tắc trên, dưới như thế hệ trước họ. Quá nhiều lần sử dụng thành quen, đến khi bị các nền tảng công nghệ lưu lại, phơi bày, khi bị chính những hệ lụy ứng xử tiêu cực tác động trở lại, họ mới giật mình hoảng hốt, mọi việc đã quá muộn màng.
Liều thuốc cứng rắn và “xúc tác” vị tha
Dù người đăng không nói rõ đây là lớp học ở khoa nào, trường nào, nhưng nhiều bình luận cho rằng clip sinh viên thách thức “solo” với thầy là lớp học từ trường Cao đẳng FPT Polytechnic.
Trên Facebook cá nhân, TS Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng trường Cao đẳng FPT Polytechnic đã xác nhận sự việc trên xảy ra trong một lớp học trực tuyến của trường này. Nhà trường đã liên hệ với sinh viên để làm tường trình sự việc, đồng thời cũng liên hệ với gia đình của sinh viên.
"Theo thông tin mẹ bạn sinh viên cung cấp thì hiện sức khỏe và tâm lý của bạn đang bất ổn và đang được chăm sóc tại trạm xá. Tôi cũng kêu gọi sinh viên không bàn luận thêm về việc này. Trường cũng sẽ căn cứ vào tường trình của thầy giáo, của sinh viên, của lớp trưởng đồng thời xem xét các yếu tố liên quan khác để ra quyết định xử lý vụ việc", Tiến sĩ Vũ Chí Thành thông tin.
Nhiều bạn trẻ cho rằng tích cực lao động, cống hiến trong các hoạt động tình nguyện sẽ trưởng thành, vững vàng trong cuộc sống |
Về thầy giáo, nhân vật chính trong đoạn Clip cũng cho biết, thầy cũng hết sức bao dung và bỏ qua cho sinh viên.
Không ít các ý kiến bình luận tỏ ra đồng tình với cách xử lý của vị hiệu trưởng và thầy giáo trong tiết giảng của trường Cao đẳng FPT Polytechnic.
“Với các bạn trẻ, có thể chúng ta vì cưng chiều, yêu thương con cái, hoặc do vì người lớn quá mải mê với công việc, cuộc sống nên phần nào đã lơ là, “nới lỏng” những quy định mà lẽ ra con cái phải được răn dạy và rèn giũa mỗi ngày, dẫn đến những hệ lụy này. Chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm của mình để có những biện pháp cứng rắn dạy dỗ con trẻ”, bạn đọc Nguyễn Phương Liên (Hà Nội) chia sẻ.
Suy nghĩ tích cực để biến những giờ học căng thẳng trở thành hào hứng... |
Bạn Hoàng Minh Tâm (ở Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay: Sự cứng rắn đôi khi cần đi theo “xúc tác” vị tha. Nếu chúng ta “một mực áp dụng biện pháp mạnh tay” sẽ khiến con trẻ bất cần và những xung đột cuộc sống có thể sẽ lại bị đẩy lên cao, gây phản tác dụng. Người trẻ cần được định hướng bằng cả sự khéo léo nhưng hơn hết là thái độ cứng rắn bao gồm cả sư bao dung, tha thứ và khích lệ đúng lúc.
Còn với TS Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng trường Cao đẳng FPT Polytechnic: "Mỗi sự việc đều cho ta bài học để việc dạy và học trở nên tốt hơn. Dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và nhiều thứ bất tiện trong cuộc sống đang gây áp lực không nhỏ lên mỗi cá nhân nhưng những điều đó chỉ làm chúng ta mạnh mẽ hơn nữa”.