Jakarta và Bangkok tiếp tục bị chìm dần
Những ngôi nhà bị phá hủy trong trận lụt năm 2018 ở Jakarta. Ảnh: Nikkei
Bài liên quan
Cô bé truyền cảm hứng trong cuộc chiến rác thải nhựa
Malaysia làm mưa nhân tạo để dập khói mù
Ám ảnh bệnh nhân tử vong trên đường cấp cứu
New York cấm toàn bộ thuốc lá điện tử có hương liệu
Thủ đô Jakarta của Indonesia có địa hình trũng nằm ở cửa sông Ciliwung và thường xuyên phải đối mặt với lũ lụt. Năm 2007, 70% diện tích thành phố bị ngập lụt. Theo viện nghiên cứu Deltares của Hà Lan, thành phố có 10 triệu dân này chìm nhanh nhất thế giới, với 7,5 - 10cm mỗi năm.
Theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), vấn đề của Jakarta sẽ trở nên trầm trọng hơn do mưa lớn cũng như sự chậm trễ trong việc phát triển hệ thống thoát nước cùng tình trạng khai thác nước ngầm mất kiểm soát.
Theo một quan chức cấp cao của Bộ Công trình công cộng và Nhà ở của Indonesia, một chính khách đối lập đắc cử thống đốc Jakarta đã cản trở kế hoạch xây dựng bức tường ngăn nước biển mới.
Do đó, một trong những lựa chọn đưa ra là di dời thành phố. Ngày 26/8, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo đã công bố kế hoạch di dời hoàn toàn thủ đô Jakarta do nạn sụt lún, ngập lụt, ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông.
“Tại sao phải khẩn cấp? Bởi vì chúng ta không thể để Jakarta và Java tiếp tục chịu gánh nặng dân số tăng, ùn tắc giao thông nghiêm trọng, ô nhiễm không khí và nước”, ông Widodo nói trong một chương trình truyền hình trực tiếp.
Thủ đô mới của Indonesia sẽ nằm giữa thành phố Samarinda và Balikpapan ở tỉnh Đông Kalimantan, nằm trên đảo Borneo. Việc di dời sẽ tiêu tốn khoảng 466 nghìn tỷ rupiah (tương đương 32,74 tỷ USD) và khoảng một triệu người sẽ phải đi theo.
40% Bangkok có thể bị nhấn chìm vào năm 2030. Ảnh: AFP |
Thủ đô Bangkok của Thái Lan được xây dựng trên đầm lầy, chỉ cao hơn mực nước biển 1,5m, cũng đang hạ thấp 2cm mỗi năm, theo JICA.
Theo báo cáo của Deltares, uớc tính 40% thành phố Bangkok sẽ chìm dưới nước vào năm 2030 nếu không có kế hoạch nào được thực hiện để ngăn chặn việc sụt lún.
Vào năm 2011, nước sông Chao Phraya, chảy qua Bangkok vào vịnh Thái Lan đã tràn bờ và làm ngập 40% diện tích thành phố. Các khu công nghiệp ở miền Trung Thái Lan và phía Bắc Bangkok đã bị nhấn chìm trong thời gian dài, gây thiệt hại kinh tế khoảng 47,2 tỷ USD.
Do vậy, JICA đã khuyến nghị Bangkok xây dựng các kênh xả thải để giảm bớt lũ lụt. Tuy nhiên, sự thay đổi Chính phủ liên tục trong những năm gần đây đã cản trở tiến trình này. Hai kênh xả thải đầu tiên của thành phố dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Việc chậm trễ xây dựng các dự án thoát nước cũng diễn ra ở các nơi khác trong khu vực. Đây là một rào cản lớn đối với sự phát triển ở các nền kinh tế châu Á mới nổi.
Tại Philippines, 70% trong số 170 dự án chống ngập cho Manila được dự kiến hoàn thành vào năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa xây xong. Thậm chí, khoảng 40% dự án chưa khởi công.