Indonesia hồi sinh thành công khu ổ chuột
Ngôi làng Kampung Pelangi nhìn từ trên cao (Ảnh: CNA)
Trong quá khứ, làng Tetrew như một khu ổ chuột “bốc mùi” ở thành phố Tual trên đảo Kei Kecil phía Đông Indonesia bởi rác rưởi khắp làng không được dọn dẹp. “Khu phố này đã từng rất bẩn. Người dân sống ở đây đều nghèo”, ông Muzni Difinubun, cư dân trong làng cho biết.
Mọi thứ thay đổi cách đây một năm. Khi ấy, ông Slamet Widodo (54 tuổi), Hiệu trưởng một trường tiểu học đã khởi xướng ý tưởng sơn toàn bộ 385 ngôi nhà trong làng không chỉ bằng màu sắc đẹp mắt mà còn trang trí những hình vẽ sống động.
“Ý tưởng tạo ra ngôi làng cầu vồng được nảy ra sau khi tôi nhìn thấy vẻ đẹp của khu Kampung Warna-warni và Kampung Tridi ở Malang. Chúng đều thật thu hút. Mong rằng Kampung Pelangi cũng sẽ trở thành nơi đáng đến nhất khi du lịch Indonesia”, ông Slamet Widodo cho biết.
Những bức tranh 3D sống động trong làng thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách |
Theo Jakarta Post, chính quyền địa phương đã chi 300 triệu rupiah (22.500 USD) để biến ý tưởng này thành hiện thực. Ngoài ra, ngôi làng cũng nhận được sự ủng hộ và tài trợ từ một nhà phân phối sơn cùng các họa sĩ, nghệ sĩ địa phương để phủ màu cho ngôi làng ổ chuột.
Người dân trong làng Tetrew khi ấy đã ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình cho kế hoạch cải tạo. Sau khoảng bốn tháng, những bức tranh tường sáng tạo, những thiết kế graffiti đầy màu sắc tràn ngập các con phố của Tetrew.
Ngôi làng cũng được đổi tên thành Kampung Pelangi, có nghĩa là “ngôi làng cầu vồng”. Tên gọi mới này còn là hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho hàng trăm gia đình nơi đây. Các tác phẩm nghệ thuật sau khi hoàn tất được bàn giao lại cho tầng lớp thanh, thiếu niên trong làng chịu trách nhiệm bảo quản.
“Sự thay đổi này khiến mọi người cảm thấy thoải mái hơn. Họ cũng rất tự hào về nơi mình đang sống. Giờ đây, làng đã trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Những đứa trẻ có thể tự do vui đùa trên các con đường. Chúng dường như vui vẻ hơn vì không phải chuyển đi nữa. Chúng tôi thực sự rất may mắn”, ông Muzni hào hứng chia sẻ.
Màu sắc tươi sáng tràn ngập khắp các ngõ ngách |
Việc khoác lên màu áo mới cho ngôi làng không đơn giản chỉ là sự thay đổi về mặt thẩm mỹ. Các ngôi nhà trong làng cũng được chính quyền địa phương cử chuyên gia đến đánh giá chất lượng và đề xuất biện pháp cải tạo, sửa chữa. Hệ thống xử lý chất thải, đường ống nước, mạng lưới đường bộ cũng được triển khai.
Chính nỗ lực của các nhà chức trách cùng sự chung tay góp sức của cộng đồng đã giúp cho ngôi làng thay đổi hình ảnh, người dân nơi đây có thêm cơ hội thoát nghèo từ việc phát triển dịch vụ ăn theo du lịch. Khi dòng khách du lịch đổ về, người dân trong làng tận dụng cơ hội này để kinh doanh các món ăn địa phương, bày bán những mặt hàng lưu niệm hay đơn giản là giới thiệu cho du khách về ngôi nhà của mình.
Hiệp hội các nhà xây dựng Indonesia tin tưởng rằng các khoản đầu tư vào việc cải tạo khu ổ chuột trước đây đều sẽ được hoàn trả lại đầy đủ bởi sự tăng trưởng ấn tượng của du lịch, dịch vụ. Có thể nói, quyết định của Chính phủ Indonesia đã hồi sinh thành công những ngôi làng nghèo đói và xập xệ, đem lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương.
Đối với người dân nơi đây, họ vẫn đang thích nghi với việc du khách trong và ngoài nước xuất hiện trong cuộc sống thường ngày của họ. Họ cũng phải đối mặt với những thách thức kèm theo như vấn đề xử lý rác thải hay vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, người dân đang lạc quan hơn bao giờ hết. “Chính quyền sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân, giúp họ bảo tồn làng cầu vồng”, ông Abdul Hakim Bugia, người đứng đầu Bộ phận nhà ở và định cư của chính quyền thành phố Tual cho biết.
Với chính quyền địa phương, thành công của ngôi làng cầu vồng là động lực để họ tiếp tục thực hiện các dự án cải tạo không gian cộng đồng khác. Theo ông Abdul, việc hồi sinh một khu ổ chuột trở thành biểu tượng của thành phố là mục tiêu đầy tham vọng và cũng là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tual.
“Chúng tôi muốn Tual có điều gì đó khác biệt, tạo ra một biểu tượng mới cho miền Đông Indonesia”, ông Abdul khẳng định. Dự định sắp tới của chính quyền thành phố này là mở thêm các không gian công cộng gần các bờ sông, thực hiện thêm nhiều dự án sáng tạo ở các thị trấn nghèo.