Hơn 6.000 giảng viên đại học sẽ thanh, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Ảnh minh họa
Bài liên quan
Thí sinh tự do khai hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng như thế nào?
Danh sách các máy tính bỏ túi được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Bộ GD&ĐT hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Chia sẻ tại họp báo thường kỳ quý II năm 2020, đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết: Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tháng 4/2020, Bộ đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất với phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Theo đó, phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không có nhiều thay đổi so với năm 2019.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao là chỉ đạo kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020; Đã ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Ban hành công văn hướng dẫn các địa phương, các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trung học phổ thông tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh.
Ban Chỉ đạo quốc gia đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân tham gia, một người có thể làm nhiều việc nhưng mỗi việc phải có một người chịu trách nhiệm chính. Ví dụ, công tác ra đề thi do đồng chí Sái Công Hồng phụ trách, phần mềm chấm thi do đồng chí Mai Văn Trinh phụ trách, công tác điều phối, kết nối, báo cáo thông tin do Chánh Văn phòng phụ trách. Tinh thần này đã lan tỏa xuống các địa phương. Ban Chỉ đạo thi các tỉnh thành cũng phân công theo hướng như vậy, rõ việc, rõ người và rõ trách nhiệm.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã hoàn thiện phương án cụ thể để giám sát chặt chẽ các khâu của kỳ thi, trong đó đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi tại các địa phương; Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm; Ban hành đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 giúp định hướng dạy học, ôn tập, tạo tâm lý ổn định đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Kỳ thi năm nay, giảng viên đại học sẽ không tham gia vào công tác coi thi, chấm thi như mọi năm nhưng sẽ được huy động để tham gia các đoàn thanh tra của Bộ, của Sở triển khai công tác kiểm tra, thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi. Theo hướng dẫn công tác thanh tra kỳ thi đã được Bộ GD&ĐT ban hành, sẽ có hơn 6.000 giảng viên đại học được huy động thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt, năm nay sẽ có thêm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh tham gia giám sát kỳ thi.
Có thông tin lo ngại về tính trung thực, khách quan khi kỳ thi giao về cho địa phương tổ chức. Lo ngại này là có cơ sở. Để giải quyết vấn đề này, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường các giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ đặt ra yêu cầu rất cụ thể đối với cán bộ, giảng viên đại học được trưng tập làm công tác thanh tra, kiểm tra. Nếu trường nào cử cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn thì Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng.
Ngay sau khi Quy chế thi được ban hành, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để quán triệt Quy chế thi và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi. Hội nghị thống nhất quan điểm, tinh thần và trách nhiệm để sẵn sàng triển khai các công việc chuẩn bị, tổ chức thi với quyết tâm cao nhất, đáp ứng yêu cầu tổ chức Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan.
Về công tác tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; Tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non và các văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo triển khai công tác tuyển sinh năm 2020; Xây dựng và hoàn thiện các phần mềm báo cáo xác định chỉ tiêu tuyển sinh, cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ các trường trong việc khai báo và công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng xác định chỉ tiêu tuyển sinh; Khai báo và công khai chính xác, đúng quy định thông tin tuyển sinh.