Hội thảo: Giảm phát thải từ phương tiện và chuyển đổi năng lượng xanh
Hội thảo tập trung vào việc thảo luận hai chủ đề chính: “Phương tiện sử dụng năng lượng xanh, sạch và thân thiện môi trường” và “Sử dụng đúng nhiên liệu Euro 5”.
Nhằm mang đến cho người tham dự góc nhìn đầy đủ và trọn vẹn hơn về công nghệ xanh, hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia và doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực phương tiện giao thông và năng lượng tái tạo: PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc chương trình đào tạo Kỹ thuật Ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội; ông Nguyễn Trung Thắng - Giám đốc Bộ phận Thuế, Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG; ông Lê Quang Quốc - Giám đốc phòng đăng ký sản phẩm ISUZU Việt Nam và ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Thành viên Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA).
Phương tiện sử dụng năng lượng xanh, sạch và thân thiện môi trường
Ô nhiễm không khí toàn cầu là một trong những vấn nạn lớn nhất do ngành giao thông vận tải gây ra từ hàng chục năm qua. Để giảm lượng phát thải khí nhà kính hay nồng độ bụi mịn trong không khí đang tăng dần, phương tiện sử dụng năng lượng xanh là một giải pháp thiết yếu nhất được đưa ra.
Theo PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc chương trình đào tạo Kỹ thuật Ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận định: “Việc chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch không chỉ giúp giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính mà còn thúc đẩy tiến bộ công nghệ trong ngành ô tô. Xe điện hóa, đặc biệt là xe hybrid và thuần điện, là tương lai tất yếu của giao thông toàn cầu, và Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu cũng như ứng dụng những giải pháp này”.
Xe sử dụng năng lượng xanh được nhắc nhiều nhất hiện nay là xe điện hóa. Đúng như tên gọi, xe điện hóa sử dụng năng lượng dòng điện để thay thế một phần hoặc toàn bộ vai trò của động cơ đốt trong.
Xe điện hóa được chia làm 2 nhóm chính, gồm xe hybrid và xe thuần điện. Trong đó, xe hybrid thường đi kèm hệ động cơ đốt trong song song với mô-tơ điện. Dựa vào đặc tính cũng như hiệu quả sử dụng, mỗi hãng lại có cách phân chia tỷ lệ sức mạnh giữa động cơ đốt trong và mô-tơ điện khác nhau. Pin của xe hybrid có thể được sạc từ nguồn bên ngoài (hybrid cắm sạc - PHEV) hoặc từ quá trình thu hồi động năng của xe.
Với xe thuần điện, vai trò của động cơ đốt trong được loại bỏ hoàn toàn. Hệ truyền động của xe bao gồm mô-tơ điện và pin dung lượng lớn được đặt dưới sàn xe. Nhờ việc loại bỏ động cơ đốt trong, xe thuần điện có chỉ số phát thải bằng 0 và là phương tiện lý tưởng cho mục tiêu giảm ô nhiễm không khí đến năm 2030.
Do đó, xu hướng chuyển đổi xe điện hóa đã bắt đầu nhen nhóm từ năm 2015 và tăng mạnh từ năm 2020. Tại Việt Nam, làn sóng này thể hiện rõ khi số lượng xe hybrid và xe thuần điện ngày càng tăng, từ thương hiệu bình dân đến xe sang. Ngay tại Triển lãm Vietnam Motor Show 2024, xe xanh chiếm số lượng lớn với các mẫu xe như Toyota Camry HEV, Honda Civic e:HEV, Suzuki XL7 Hybrid hay loạt xe điện của BYD…
Trên thế giới, quá trình chuyển đổi xe điện hóa được đẩy nhanh nhờ vào chính sách hỗ trợ của nhiều quốc gia. Tại các thị trường tiêu thụ nhiều ô tô như châu Âu, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, xe điện hóa được nhiều hỗ trợ như giảm thuế, trợ cấp tiền hoặc cung cấp bãi đỗ miễn phí. Hay tại các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia, xe thuần điện được miễn phí trước bạ và thuế nhập khẩu.
Tại Việt Nam, các dòng xe thuần điện được ưu đãi thuế TTĐB là 3%, xe PHEV là 70% trong khi xe hybrid thông thường không có chính sách ưu đãi. Chia sẻ về khía cạnh này, ông Nguyễn Trung Thắng - Giám đốc Bộ phận Thuế, Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG cho biết: “Theo KPMG, việc khuyến khích tiêu dùng các dòng xe BEV là phù hợp với xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam chưa được phát triển rộng rãi, Chính phủ nên cân nhắc các giải pháp khuyến khích thay thế các dòng xe đốt trong (ICE) bằng các dòng xe hybrid (PHEV, HEV), là những dòng xe thân thiện hơn với môi trường”.
Sử dụng đúng nhiên liệu Euro 5
Bên cạnh việc chuyển đổi xe điện hóa, sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn có hàm lượng thấp các chất gây ô nhiễm cũng sẽ giúp giảm thiểu lượng khí thải độc hại thải ra môi trường.
Tại Việt Nam, tất cả ô tô được bán ra từ ngày 01/01/2022 đều phải đáp ứng Tiêu chuẩn khí thải Euro 5, theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thay thế cho chuẩn Euro 4 trước đó, Tiêu chuẩn khí thải Euro 5 có các yêu cầu kỹ thuật cao hơn và cũng siết chặt hơn các mức giới hạn về khí thải vừa kiểm soát thêm các thành phần khí thải. Do đó, việc áp dụng Tiêu chuẩn khí thải Euro 5 một cách hiệu quả sẽ đóng góp đáng kể vào việc cắt giảm khí gây ô nhiễm môi trường.
Ông Lê Quang Quốc - Giám đốc phòng đăng ký sản phẩm ISUZU Việt Nam cho biết, ngoài việc giúp giảm lượng khí thải độc hại, sử dụng đúng nhiên liệu Euro 5 còn giúp đảm bảo hiệu suất vận hành của động cơ, kéo dài tuổi thọ phương tiện và giảm chi phí bảo trì của xe. “Điều quan trọng là người tiêu dùng cần hiểu và áp dụng đúng loại nhiên liệu đạt chuẩn, trong khi các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy việc cung cấp nhiên liệu sạch trên toàn quốc. Đây là một bước tiến không thể thiếu trong hành trình hướng tới một hệ thống giao thông xanh và bền vững”, ông Quốc chia sẻ thêm.
Có nhiều lợi ích nhưng nhiên liệu Euro 5 lại cực kỳ khan hiếm tại Việt Nam. Theo khảo sát của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), chỉ có khoảng 7% số lượng cửa hàng xăng dầu trên cả nước cung cấp được nhiên liệu Euro 5, tính đến tháng 3/2024. Phần lớn trong đó tập trung ở các thành phố lớn, trục đường chính khiến người dùng ở ngoại thành, vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận với nhiên liệu Euro 5.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, thực trạng khan hiếm nhiên liệu Euro 5 xuất phát từ việc doanh nghiệp bán xăng dầu phải kinh doanh nhiều mặt hàng cùng lúc dẫn đến buộc phải lựa chọn ưu tiên bán Mức 5 hay Mức thấp hơn để tối ưu lợi nhuận.
Bên cạnh đó, việc truyền thông, quảng bá cho nhiên liệu Euro 5 còn hạn chế khiến người dân chưa hiểu tầm quan trọng của nhiên liệu đạt chuẩn. Các loại nhiên liệu mức thấp (Euro 2/3) vẫn còn phổ biến trên thị trường do chưa có chính sách để buộc ngừng kinh doanh.
Trong ngành ô tô, nhiên liệu Euro 5 đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Để sử dụng đúng nhiên liệu Euro 5, cần có sự hợp tác của toàn cộng đồng, bao gồm các nhà sản xuất ô tô, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung cấp xăng dầu và người tiêu dùng.
Hướng đến Net Zero vào năm 2050
Thị trường xe điện hóa tại Việt Nam đang có những bước đi khả quan nhờ chính sách hỗ trợ của chính phủ và nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về phương tiện giao thông xanh.
Tuy nhiên, quá trình điện hóa phương tiện giao thông cũng gặp nhiều thách thức, đặc biệt là sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng như trạm sạc pin. Hệ thống trạm sạc hiện tại chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vào xe điện. Do đó, cần đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ.
Bên cạnh đó, nhiên liệu Euro 5 đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí và nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc sử dụng nhiên liệu này giúp giảm phát thải khí độc hại từ các phương tiện giao thông truyền thống, đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang xe điện. Nhiên liệu Euro 5 cũng giúp cải thiện hiệu suất động cơ, giảm tiêu thụ nhiên liệu và kéo dài tuổi thọ của phương tiện.
Hội thảo đã mang đến góc nhìn đa chiều về xu hướng và tiềm năng phát triển xe điện hóa, cùng những giải pháp và khuyến nghị quan trọng về việc sử dụng nhiên liệu Euro 5. Với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, sự kiện không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện để các bên liên quan thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero. Vietnam Motor Show 2024, cùng với hội thảo chuyên sâu, đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp ô tô và xe máy tại Việt Nam.