Học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương với “chuyến du hành lịch sử”
5 “nhà khoa học trẻ” xây dựng mô hình trận Điện Biên Phủ trên không |
Tham dự hoạt động này có nhà giáo Phạm Thị Hương Giang, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cùng các thầy cô giáo và 48 học trò thuộc các khối lớp 6-7-8. Đây là các đội viên tiêu biểu của Ban chỉ huy Liên đội và đại diện xuất sắc từ các lớp trong trường.
Chuyến đi nằm trong kế hoạch tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”của ngành giáo dục và đào tạo quận Ba Đình năm 2022.
Các em học sinh thăm quan Hoàng thành Thăng Long |
Hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, giáo viên và học sinh về chiến thắng lịch sử, có ý nghĩa thời đại, thể hiện sâu sắc ý chí độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam và truyền thống đánh giặc giữ nước vẻ vang của quân và dân ta, nhất là của quân chủng phòng không - không quân, của quân dân thủ đô Hà Nội, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi.
Triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời” được thiết kế với các không gian trưng bày nối tiếp nhau, tạo thành một câu chuyện kể sinh động và vô cùng sáng tạo sau 50 năm về hành trình 12 ngày đêm quân và dân Hà Nội chiến đấu, chiến thắng cuộc không kích lịch sử của không lực Hoa Kì với những “pháo đài bay bất khả xâm phạm” B52.
Các em học sinh được lắng nghe hướng dẫn viên chia sẻ về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không của quân và dân Thủ đô |
Câu chuyện kể được bắt đầu từ hầm tác chiến T1, khi phòng trưng bày dưới lòng đất vốn nhỏ hẹp thường ngày bỗng trở thành không gian diễn giải lịch sử “Hầm T1 trong đêm bão lửa”. Bằng hiệu ứng của hình ảnh và ánh sáng, thầy và trò THCS Nguyễn Tri Phương cùng sống lại những ngày tháng ác liệt và trải nghiệm cuộc sống thời chiến ngay tại căn hầm Sở chỉ huy tác chiến trong đêm đầu tiên Mỹ bắn phá Hà Nội.
Hình ảnh tư liệu thực tế được trình chiếu trên tường, trên trần nhà; ánh sáng và tiếng chuông điện thoại liên tục trong cabin trực chiến của các tiêu đồ viên; tiếng họp khẩn, tiếng còi báo máy bay địch, tiếng loa phát thanh, cả tiếng máy bay gầm và bom đạn rít… Tất cả tạo nên không gian thời chiến chân thực và sống động kì lạ.
Khác với các không gian triển lãm thông thường, hầm T1 - căn hầm nằm sâu trong Hoàng thành Thăng Long, là nơi đầu tiên tiếp nhận thông tin quân sự - hôm nay đã đem đến cho người xem một trải nghiệm khó quên.
Theo các hướng dẫn viên của Trung tâm bảo tồn di tích, triển lãm đã phần nào giúp du khách khắc họa rõ nét hơn về cuộc chiến đấu, cuộc sống đầy gian khổ, hy sinh, nhưng cũng hết sức ngoan cường, bền bỉ và anh dũng của lực lượng vũ trang và Nhân dân cả nước; Trong đó nòng cốt là Bộ đội Phòng không - Không quân, nổi bật là tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân và dân Thủ đô.
Thầy và trò THCS Nguyễn Tri Phương đã có cơ hội đến với những bài học lịch sử địa phương thấm thía hơn bất kì một trang sách hay một giờ học lí thuyết nào |
Đến với cuộc triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời”, thầy và trò THCS Nguyễn Tri Phương đã có cơ hội đến với những bài học lịch sử địa phương thấm thía hơn bất kì một trang sách hay một giờ học lí thuyết nào.
Chia sẻ về chương trình, cô Phạm Thị Hương Giang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hoạt động hướng đến giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước và tự hào dân tộc, giáo dục lòng biết ơn cho các em học sinh từ không gian lịch sử văn hóa trên chính đất Ba Đình lịch sử. Từ đó, các em được trao truyền cách sống hiếu - lễ - nghĩa.
Hiểu về lịch sử để biết ơn ông cha đã tận hiến hi sinh. Hiểu về lịch sử để trân trọng bầu trời hòa bình mình đang được thụ hưởng. Hiểu về lịch sử để biết sống sao cho xứng đáng. Hy vọng những chuyến hành quân như thế sẽ được nối dài thêm, để hành trang của các công dân nhỏ tuổi Ba Đình bước vào ngày mai sẽ luôn có một phần trân trọng dành cho ngày hôm qua”.