Hòa Bình đặt kế hoạch doanh thu tăng hơn 54% so với năm 2021
Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội. Đặc biệt, khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại các tỉnh thành phía Nam, biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị của Chính phủ đã được áp dụng để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động sản xuất, các công trình cũng tạm ngưng thi công.
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT trình bày các nội dung trước đại hội |
Đứng trước thách thức này, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tiên phong tiêm phòng vaccine COVID-19 cho toàn bộ đội ngũ cán bộ công nhân viên, nỗ lực thực hiện tất cả các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong quá trình sản xuất như “3 tại chỗ”, “1 con đường 2 điểm đến”, “7K+3T, “5K” và thể hiện rõ tinh thần làm việc trách nhiệm cũng như cam kết hoàn thành dự án với khách hàng dù là trong thời điểm cực kỳ khó khăn và bị hạn chế nhiều mặt.
Quang cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên Hòa Bình |
Kết quả, doanh thu thuần của Hòa Bình trong năm 2021 đạt 11.355 tỷ đồng, đạt 84% kế hoạch, tăng 1% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 103 tỷ đồng, đạt 42,7% kế hoạch, tăng 19,2% so với năm 2020. Tuy nhiên, tổng giá trị trúng thầu trong năm 2021 của Hòa Bình đạt 16.471 tỷ đồng, vượt 18% so với kế hoạch.
Năm 2022, Hòa Bình đặt mục tiêu kế hoạch hoạt động với tổng doanh thu 17.500 tỷ đồng, tăng 54,1% so với kết quả năm 2021; lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng, tăng 261% so với kết quả năm 2021.Trong năm 2021, tổng tài sản Hòa Bình tăng 1.025 tỷ đồng lên 16.576,6 tỷ đồng, tương ứng tăng 6,6% so với năm 2020. Với kết quả này, Hòa Bình dự kiến phương án chi trả cổ tức năm 2021 với tổng tỷ lệ 10% trong đó 3% bằng tiền mặt và 7% bằng cổ phiếu.
Các cổ đông đồng thuận thông qua các nội dung tờ trình |
Theo Nghị quyết của Đại hội đồng Cổ đông các năm 2016, 2017, 2019, Hòa Bình sẽ phát hành 7.550.000 cổ phiếu cho CBCNV với giá bằng mệnh giá và 5.000.000 quyền mua cổ phiếu cho CBCNV đang làm việc cho công ty, 1 quyền mua được mua 1 cổ phiếu với giá bằng mệnh giá, quyền mua có hiệu lực sau 3 năm kể từ 1/1/2022.
Đại hội cũng thông qua phương án phát hành 74.000.000 cổ phiếu riêng lẻ, toàn bộ số tiền thu được từ các đợt chào bán sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thực hiện chiến lược phát triển công ty. Thời gian phát hành sẽ thực hiện sau khi nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan quản lý có liên quan.
Cổ đông chất vấn tại Đại hội |
Đối với các dự án bất động sản, đầu tư dài hạn và hướng phát triển trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ có phương án triển khai cụ thể cho từng dự án, có thể tăng hoặc giảm tỉ lệ tham gia các dự án bất động sản hiện hữu. Đồng thời triển khai, thực hiện thêm một số dự án hợp tác kinh doanh và đầu tư địa ốc mới có tính khả thi.
Đại hội đã thông qua đơn từ nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng Quản trị độc lập nhiệm kỳ 2019 - 2024 của ông Phan Ngọc Thạnh và ông Park Seok Bae. Đồng thời, ông David Martin Ruiz và ông Albert Antoine được bầu làm thành viên Hội đồng Quản trị độc lập nhiệm kỳ mới 2022 - 2027.
Ông Lê Viết Hiếu - Tổng Giám đốc trình bày tại đại hội |
Chia sẻ với cổ đông tại đại hội, ông Lê Viết Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết hiện tại tập đoàn đã đạt gần 50% chỉ tiêu trúng thầu năm nay. Giá trị hợp đồng chuyển tiếp (Backlog) năm 2021 chuyển qua năm 2022 là 16.000 tỷ đồng, có thể ghi nhận 11.000 tỷ đồng doanh thu. Tính đến tháng 4/2022 tổng giá trị trúng thầu đã đạt 9.300 tỷ đồng và kế hoạch trúng thầu năm nay hoàn toàn đạt được.
Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027 |
Năm 2022, Hòa Bình kỷ niệm 35 năm thành lập vào tháng 9/2022. Bước sang cột mốc ý nghĩa này, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã chuẩn bị kế hoạch giai đoạn phát triển trong 10 năm tới (2022 - 2023). Theo đó, từ ngày 19/3 - 22/4/2022, Hòa Bình đã tổ chức thành công Tháng Hội nghị với 10 buổi hội thảo chuyên đề gồm: Quản lý chung, Quản lý kinh doanh, Quản lý Công trường, Quản lý Nguồn nhân lực, Quản lý Tài chính, Quản lý Phát triển công nghệ, Quản lý chuỗi Cung ứng, Quản lý thị trường trong nước, Quản lý thị trường nước ngoài và Phát triển thương hiệu theo ba hình thức: Trực tiếp, trực tuyến và đóng góp ý kiến qua app bootcamp, tổng cộng có gần 1.500 ý kiến đóng góp, phản biện của CBNV và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa giáo dục.
Thành viên Ban lãnh đạo Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm |
Đây là những ý kiến giá trị và là tài sản trí tuệ tập thể, từ đó giúp cho Hòa Bình thấy rõ được vị trí, lợi thế của mình trên hành trình chinh phục mục tiêu chiến lược của thập kỷ đã xác định: phát triển ra thị trường nước ngoài, duy trì tốc độ phát triển doanh thu 5 năm tăng 5 lần, đến năm 2032 doanh thu xấp xỉ 20 tỷ đô la, lợi nhuận gần 1 tỷ đô la và lan tỏa văn hóa yêu chuộng màu xanh hòa bình, màu xanh của sự phát triển bền vững.