Hà Nội phát triển công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh
Thúc đẩy phát triển đô thị xanh
Tại Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 13/10/2020 đã đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Hà Nội trở thành thành phố xanh - thông minh - hiện đại. Nghị quyết tập trung vào việc phát triển giao thông xanh, mở rộng diện tích cây xanh và bảo đảm rằng các công trình xây dựng phải tuân thủ các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Để đạt được mục tiêu trên, thành phố Hà Nội đã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, đồng thời ban hành nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh và phát triển bền vững Thủ đô.
Mặc dù thành phố Hà Nội đã rất nỗ lực trong việc phát triển công trình xanh và hạ tầng đô thị thông minh, tuy nhiên công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị các giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy phát triển công trình xanh, hướng tới xây dựng đô thị thông minh, bền vững.
Hà Nội ngày càng có thêm nhiều công trình xanh, tạo không gian đáng sống cho người dân |
TS. Ngô Thế Vinh, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế phát triển đô thị, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, đó là công trình xây dựng mà trong cả "vòng đời", từ giai đoạn lựa chọn địa điểm, thiết kế, thi công, vận hành sử dụng, cho đến giai đoạn sửa chữa, cải tạo nâng cấp, tái sử dụng, đều đạt được các tiêu chí: Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nước, vật liệu, giảm thiểu đến mức nhỏ nhất các tác động xấu đối với môi trường và sức khỏe con người, bảo tồn cảnh quan, sinh thái tự nhiên và di tích lịch sử, tạo ra điều kiện sống tốt nhất.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà, với tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở, văn phòng trung bình hàng năm khoảng 100 triệu mét vuông, chưa bao gồm diện tích nhà xưởng công nghiệp và các loại hình công trình khác, tiềm năng phát triển công trình xanh ở nước ta còn rất lớn.
Tại Hà Nội, xác định thúc đẩy phát triển công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh là nhiệm vụ chiến lược giúp phát triển bền vững Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành thành phố xanh - thông minh - hiện đại, TP đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Đáng lưu ý, hiện Hà Nội đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Thủ đô năm 2024.
Trong đó, thành phố đặc biệt chú trọng xây dựng những quy định, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh và phát triển bền vững với nhiều công trình xanh. Các quy định sẽ tạo nền tảng pháp lý thực thi có hiệu quả cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô theo định hướng xanh - thông minh - hiện đại.
Tạo lập môi trường sống hòa mình với tự nhiên
Để khuyến khích phát triển công trình xanh, ông Hoàng Minh Lâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương Hà Nội cho biết: Thành phố đang triển khai chương trình công nhận danh hiệu năng lượng xanh cho các cơ sở công nghiệp và công trình xây dựng. Đây là hướng đi thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc thúc đẩy hoạt động phát triển bền vững nói chung.
Theo ông Hoàng Minh Lâm, để Thủ đô Hà Nội phát triển công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh. Thành phố Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, có quy định cụ thể, chi tiết hơn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình công trình xanh.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho kiến trúc sư, kỹ sư, nhà thầu, người làm quản lý dự án về công trình xanh.
Trong những năm vừa qua, tốc độ đô thị hóa của thành phố Hà Nội nhanh và mạnh mẽ, sự bùng nổ dân số do gia tăng dân số cơ học kèm theo nhu cầu phát triển các công trình cao tầng (gồm nhà ở, các công trình thương mại dịch vụ) và các công trình nhà ở tại thành phố Hà Nội đã đem tới các mặt trái của đô thị hóa. Các đô thị lớn nhà Hà Nội luôn cần phát triển công trình xanh.
Với Thủ đô Hà Nội, mục tiêu chính của "Công trình xanh" là giữ gìn bảo vệ môi trường, tạo lập môi trường sống hòa mình với tự nhiên. Thủ đô Hà Nội khác với các thành phố trên thế giới do có 70% tổng diện tích đất tự nhiên dành cho hành lang xanh, không gian xanh nhằm giữ cân bằng sinh thái đô thị, điều hóa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, tăng sức tải cho môi trường.
Vì vậy, mục tiêu quan trọng và lâu dài đối với thành phố Hà Nội là giữ gìn "lá phổi xanh" song song với quá trình triển khai các "Công trình xanh"…