Hà Nội lập tổ chuyên gia hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên
Ưu tiên kinh phí duy tu, sửa chữa cầu Long Biên Lắp camera để xử lý vi phạm, kịp thời phát hiện hư hỏng cầu Long Biên |
Ảnh minh họa |
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải làm Tổ trưởng. Tham gia tổ công tác có đại diện các sở, ngành liên quan, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội...
Tổ chuyên gia có trách nhiệm phối hợp với Đại sứ quán Pháp đề xuất và triển khai các hoạt động nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên; xây dựng nội dung dự án "Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên" làm cơ sở để Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội báo cáo UBND thành phố Hà Nội thực hiện các thủ tục tiếp nhận, triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật theo quy định về quản lý nguồn vốn ODA và các quy định pháp luật liên quan.
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng là 1 trong 3 tuyến huyết mạch của ngành Đường sắt (gồm tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai). Được xếp vào loại cầu yếu nhưng hằng ngày, cầu Long Biên vẫn phải "gánh" trên mình hàng chục nghìn lượt phương tiện qua lại, trong đó có tàu hỏa, xe máy, xe đạp... Trong tháng 5-2022, cây cầu này đã xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên lối đi dành cho người đi bộ và mặt đường bộ dành cho xe máy, xe thô sơ lưu thông, uy hiếp an toàn giao thông.
Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Trần Đăng Hải cho biết, cầu Long Biên hiện hữu luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong mọi giai đoạn. Thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông - Vận tải đang bàn giao hồ sơ các tuyến đường sắt theo quy hoạch cho Hà Nội. Trong đó, có tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên liên quan đến cầu Long Biên. Sau khi bàn giao, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục nghiên cứu tuyến này, khi đó sẽ rõ định hướng ra sao với cầu Long Biên hiện hữu.
Còn đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu, dừng tại khu vực đường sắt đầu mối Ngọc Hồi. Tại Ngọc Hồi là đầu mối của 3 tuyến đường sắt: Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.
"Ngay cả khi đã hoàn thành xong tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên, hay làm xong các cầu mới bắc qua sông Hồng thì cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng, vừa phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước đến Thủ đô. Do đó, cần thiết phải đầu tư bảo tồn cầu", ông Trần Đăng Hải đánh giá.