Hà Nội hướng đến nền nông nghiệp đô thị thông minh, hiện đại
Nâng cao hiệu quả kinh tế
Với ước vọng hướng tới một nền nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nông nghiệp Hà Nội đang tập trung hình thành chuỗi giá trị qua việc hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng sản xuất tập trung, an toàn, phát triển sản phẩm chủ lực… thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.
Một trong những mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được đông đảo người dân Thủ đô biết đến chính là mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng). Đây là một trong 30 dự án nông nghiệp xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Tôi là nông dân 4.0" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Chia sẻ về mô hình của mình, chị Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý thông tin: Việc áp dụng mô hình trồng rau trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã thu hoạch từ 2 đến 4 tấn rau xanh cung cấp cho nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Đan Phượng… với giá cả ổn định, cho thu nhập gần 6,6 tỷ đồng/ha/năm.
Cùng với các mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà màng thì mô hình trồng rau thủy canh cũng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định. Trong khu sản xuất rau thủy canh của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì), một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai mô hình trồng rau thủy canh tại Hà Nội, người nông dân hăng say lao động và niềm vui như được nhân đôi bởi hiệu quả kinh tế lên tới tiền tỷ mà mô hình mang lại.
Hà Nội hiện có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Nông nghiệp Thủ đô |
Giám đốc hợp tác xã Nguyễn Mạnh Hồng cho biết: "So với rau truyền thống, rau thủy canh rút ngắn ngày hơn và được trồng trong nhà lưới là môi trường hoàn toàn sạch không nhiễm khuẩn cũng như không có thuốc bảo vệ thực vật. Rau có thể trồng được quanh năm vì không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, gió, bão, nắng nôi, canh tác cho năng suất cao hơn rau truyền thống, đặc biệt là an toàn hơn".
Còn trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Phan Trung Kiên ở xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ) cho biết: Hiện trang trại của gia đình có 13.000 con gà đẻ trứng. Chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, các khâu sản xuất khép kín theo phương pháp an toàn nên hạn chế dịch bệnh. Mỗi ngày, trang trại cung cấp ra thị trường 8.000 quả trứng thì có 6.000 quả được bán lẻ với giá 8.400 đồng/quả, cao hơn 20-30% so với các loại trứng khác.
Những năm gần đây, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ và thiết bị thông minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin: Trên địa bàn thành phố đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Nông nghiệp Thủ đô. Trong đó, công nghệ, thiết bị lựa chọn ứng dụng chủ yếu là thông minh trong việc quản lý, điều khiển môi trường nuôi trồng giúp giảm nhân công lao động, tăng chất lượng và sản lượng nông sản.
Hiện, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ và thiết bị thông minh ở hầu hết các quận, huyện còn sản xuất nông nghiệp. Trong đó tập trung nhiều tại các huyện Mê Linh, Thường Tín, Đông Anh… đặc biệt là các trang trại, gia trại nuôi trồng hoa lan, nuôi cấy mô và lan VAR…
Tuy nhiên, số lượng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh của thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế vốn có của Hà Nội, nhất là mô hình khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp thông minh; Mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, làng nghề “nông nghiệp số” quy mô lớn được ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh theo chuỗi giá trị… Cùng với đó, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh.
Hình thành chuỗi liên kết để phát triển đồng bộ
Năm 2022, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng từ 2,5 - 3%. Định hướng phát triển của Hà Nội tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cụ thể, Hà Nội sẽ giảm diện tích sản xuất lúa từ 165.593ha xuống còn 140.000ha. Cùng với đó, mở rộng diện tích trồng rau màu từ 32.907ha lên 38.000ha; Cây ăn quả từ 19.390ha lên 25.750ha; Hoa, cây cảnh từ 8.500ha lên 9.000ha.
Hà Nội sẽ tập trung phát triển chăn nuôi tại các vùng xã trọng điểm theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; Tăng số lượng đàn bò lên 150.000 - 160.000 con, đàn lợn lên 1,8-2 triệu con; Đồng thời, trở thành trung tâm cung cấp con giống (bò thịt, lợn, gia cầm) cho các địa phương.
Bên cạnh đó, các vùng đất trũng, thấp sẽ được chuyển đổi sang mô hình lúa - cá, bảo đảm diện tích nuôi trồng thủy sản từ 24.000 - 25.000ha. Trong đó, diện tích nuôi tập trung khoảng 11.500ha với các loại đặc sản như: Trắm đen, cá lăng, cá điêu hồng, tôm càng xanh…
Hà Nội đang dần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao |
Theo đó, trong thời gian tới, Hà Nội cần khai thác tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới tư duy, sáng tạo trong triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra. Cụ thể là ngành nông nghiệp cần tận dụng được hàm lượng trí tuệ cao, khi mà nguồn lực kinh tế thành phố hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp khá lớn… Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào phát triển các loại giống cây, con, hình thành trung tâm cung ứng giống cho các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, những năm tới Hà Nội sẽ hình thành chuỗi giá trị nông sản bằng cách xây dựng các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm chủ lực của địa phương, từ đó, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác.
Để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, để tạo đột phá trong thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, mặt bằng kinh doanh, xúc tiến thương mại, quy hoạch lại các khu công nghiệp... nhằm tiếp tục phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Có thể thấy rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ giúp nông nghiệp Hà Nội chuyển mình từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp thông minh, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, cải tạo cảnh quan, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Tuy nhiên thực tế cho thấy, lao động trong ngành Nông nghiệp Thủ đô thiếu khá nhiều kỹ năng về quản lý, quản trị, kết nối trong sản xuất và tiêu thụ cũng như tính nguyên tắc trong tuân thủ quy trình sản xuất nông sản sạch, đặc biệt là việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do vậy, một trong những vấn đề Hà Nội cần quan tâm hiện nay chính là đầu tư về chất lượng nguồn nhân lực.
Công tác khuyến nông cũng nên tập trung vào đào tạo kỹ năng, thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, trước mắt là xây dựng các mô hình chuyển đổi số thử nghiệm ở cấp cơ sở dựa trên kiến trúc nền tảng thống nhất chung... Có như vậy, nền nông nghiệp Thủ đô mới phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô và cả nước.