Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo các công viên trong nội thành
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề xuất UBND thành phố Hà Nội phương án xử lý những tồn tại xây dựng 9 công viên mới và 3 công viên cũ trong nội thành. Phương án giải cứu tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tập trung xử lý nghiêm những vi phạm về lấn chiếm các khu vực đã được quy hoạch xây dựng công viên; Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương vận động thuyết phục người dân di dời các khu vực tâm linh… Với những công viên được xây dựng trong nội thành sẽ tập trung nguồn vốn để xây dựng cải tạo phù hợp với cảnh quan và nhu cầu người dân.
Cụ thể, Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (100ha) ở Đông Anh, được khởi công từ năm 2016 đến nay đã giải phóng được trên 99ha. Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo huyện Đông Anh sớm giải phóng mặt bằng diện tích đất còn lại của Công viên Kim Quy. Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời phối hợp các sở, ngành và huyện Đông Anh để hoàn thiện thủ tục và đầu tư xây dựng đưa công trình vào sử dụng.
Theo qui hoạch, công viên Chu Văn An rộng khoảng 55 ha thuộc địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) |
Đối với Công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở huyện Thanh Trì (50,9ha), sau nhiều năm triển khai đến nay đã hoàn một số tuyến đường vào công viên và tu bổ đình, chùa.
Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố Hà Nội giao huyện Thanh Trì chuyển một số số dự án trong Công viên Chu Văn An sang đầu tư công; Đồng thời đề xuất phương án di dời hơn 3.000 ngôi mộ thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng trong công viên.
Công viên Thiên Văn học - khu đô thị Dương Nội ở quận Hà Đông (8ha) đã cơ bản đã hoàn thiện, nhưng chưa nghiệm thu. Sở Xây dựng đề xuất thành phố xử lý những vi phạm trong công viên, đồng thời hoàn thành các thủ tục để nghiệm thu, đưa công viên vào hoạt động.
Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông (98ha) chưa triển khai do chưa lựa chọn nhà đầu tư, Sở Xây dựng đề xuất thành phố yêu cầu quận Hà Đông thu hồi phần diện tích tạm cho thuê, đồng thời giao Viện Quy hoạch xây dựng lập tổng thể quy hoạch chi tiết công viên.
Với Công viên Đống Đa (7,09ha) dự án được quy hoạch gần 20 năm nhưng chưa được giải phóng mặt bằng. Sở Xây dựng đề xuất thành phố giao quận Đống Đa chỉ đạo các phòng ban thiết lập hồ sơ, kiến quyết xử lý triệt để các vi phạm đất đai trong khu vực được quy hoạch làm công viên.
Về Công viên hồ điều hòa CV1 ở quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm (27,7 ha) được khởi công từ năm 2016 đến nay chưa hoàn thành. Sở Xây dựng đề xuất thành phố chỉ đạo đơn vị liên quan giải phóng mặt bằng 1.300m2 đất còn lại của công viên và đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường kết nối với công viên.
Thời gian tới thành phố Hà Nội sẽ dành nguồn lực cải tạo các công viên trên địa bàn |
Cùng với xây mới các công viên kể trên, thời gian tới thành phố Hà Nội dành nguồn lực cải tạo công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo.
Công viên Thống Nhất (48ha) được quy hoạch chi tiết 1/500 theo hướng công viên mở kết hợp dịch vụ. Phần diện tích đất công viên có mục đích công cộng (không thu phí) thực hiện theo hình thức đầu tư công, diện tích có mục đích kinh doanh được đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Đối với Công viên Thủ Lệ, hiện cơ sở hạ tầng hiện có trong chưa đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ vui chơi, nghỉ ngơi phục vụ người dân. Để nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, Sở Xây dựng đề xuất thành phố giao Sở Tài chính đề xuất phương án quản lý, khai thác công viên.
Công viên Bách Thảo (10ha) sau nhiều năm khai thác, nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng. Sở Xây dựng đề xuất thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và các sở ngành được giao khẩn trương thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Phần diện tích đất công viên có mục đích công cộng (không thu phí) thực hiện theo hình thức đầu tư công, diện tích có mục đích kinh doanh được đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Đầu tư xây dựng mới 6 công viên
Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn đối mặt với tình trạng thiếu các công viên quy mô lớn, không gian vui chơi hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Trước thực trạng này, Nhân dân Thủ đô đang kỳ vọng vào kế hoạch của thành phố từ nay đến năm 2025, sẽ tập trung đôn đốc, giải quyết để hoàn thành 6 công viên với diện tích hàng trăm ha đang trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Trước thực trạng phát triển mất cân đối và để tạo không gian xanh cho người dân, từ năm 2014, thành phố Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án Khu công viên và hồ điều hoà tại ô đất ký hiệu CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy |
Quy hoạch có mục tiêu đến năm 2030, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp và 7 khu công viên đặc thù.
Theo kế hoạch, sẽ đầu tư xây dựng mới 6 công viên, gồm: Công viên Chu Văn An, trên địa bàn huyện Thanh Trì, quy mô 50,93ha, do UBND huyện Thanh Trì đầu tư thực hiện; Công viên và hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy, diện tích khoảng 31,7ha, do Cty CP đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng thực hiện, Công ty TNHH Phát triển công viên Trung tâm là doanh nghiệp dự án; Công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, diện tích 11,2ha, do Công ty TNHH VNT thực hiện;
Công viên văn hóa Kim Quy, diện tích khoảng 101,09ha, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời; Công viên hồ Phùng Khoang, diện tích khoảng 11,8ha, do Liên danh Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội và Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng đô thị thực hiện; Công viên văn hóa - Vui chơi, giải trí, thể thao quận Hà Đông, diện tích khoảng 96,7ha do UBND quận Hà Đông thực hiện.
Thực tế, trong thời gian gần đây, nhiều dự án xây dựng công viên, cây xanh quy mô lớn đã được thành phố đẩy mạnh đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do điều kiện về nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và xã hội hạn chế nên việc phát triển hệ thống công viên, cây xanh đô thị của Hà Nội vì thế còn "khiêm tốn".
Do đó, thời điểm này thành phố cần cần rà soát quyết liệt diện tích dành cho việc xây dựng công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, cùng đó hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy nhanh các công viên lớn đang chậm tiến độ.