Hà Nội: Các trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú từ đầu tuần tới
Phụ huynh, học sinh vui mừng, trường học trong tâm thế sẵn sàng Hỗ trợ vay vốn mua thiết bị học trực tuyến 10 triệu đồng/học sinh Cả nước có 97% học sinh trở lại trường |
Dự cuộc họp có Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Phó Giám đốc Trần Lưu Hoa cùng lãnh đạo, chuyên viên các phòng chức năng của Sở.
Tại điểm cầu các quận, huyện, thị xã có lãnh đạo các Phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS trên địa bàn.
100% trường học đã sẵn sàng
Thông tin tại cuộc họp, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết: Đến thời điểm này, 100% các nhà trường đã sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Phòng cũng đã chỉ đạo các nhà trường khảo sát ý kiến của phụ huynh. Hầu hết đều mong muốn cho con trở lại trường.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ngày 5/4 về việc triển khai công tác cho học sinh các khối lớp 1- 6 trở lại trường học trực tiếp sau thời gian tạm dừng đến trường |
Các trường chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị y tế, dọn dẹp bếp ăn bán trú, lên kế hoạch diễn tập phương án phân luồng học sinh, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường. Mặc dù từ khi nhận thông báo đến khi học trực tiếp chỉ có 2 ngày nhưng tất cả các trường đều không bị động vì có sự chuẩn bị từ trước. Phụ huynh cũng rất vui mừng, phấn khởi khi con được quay lại trường học tập.
Ông Cấn Văn Đa, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng cho biết đã yêu cầu các nhà trường chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để đón học sinh các khối lớp 1-6 trở lại học trực tiếp; Đồng thời triển khai đến các trường mầm non chuẩn bị sẵn phương án đón trẻ đi học trở lại. Hiện nay, hầu hết phụ huynh đều đồng thuận cho con trở lại trường..
Ý kiến của một số phòng GD&ĐT đều cho biết đã sẵn sàng kịch bản, phương án tổ chức dạy học khi học sinh đi học trực tiếp. Trong ngày 5/4, các hiệu trưởng sẽ chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tiến hành họp phụ huynh để thông báo các nội dung phối hợp nhằm đảm bảo công tác an toàn, chất lượng khi học sinh đến trường học trực tiếp.
Vấn đề phân luồng giao thông trước, trong, sau buổi học, rèn luyện nề nếp học tập, vừa ôn luyện kiến thức cũ, vừa dạy kiến thức mới, đảm bảo chương trình học theo đúng kế hoạch; Đặc biệt quan tâm đến học sinh đầu cấp, quan sát và kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường trong tâm sinh lý của học sinh… cũng là những nội dung được các phòng giáo dục, nhà trường đặc biệt lưu tâm thực hiện.
Về công tác bán trú, đại diện các phòng GD&ĐT cho hay, cùng việc tổ chức học trực tiếp, nhà trường sẽ xin ý kiến cha mẹ học sinh về nội dung ăn bán trú; Tích cực chuẩn bị mọi điều kiện, bếp ăn, cơ sở vật chất, nhất là công tác đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi học sinh học 2 buổi/ngày và ăn bán trú. Do cần thêm thời gian rà soát, chuẩn bị nên trong một vài ngày đầu đi học trở lại, các trường tạm thời chưa tổ chức ăn bán trú mà sẽ triển khai thực hiện từ đầu tuần tới.
Học sinh khối mầm non sẽ sớm đi học trở lại
Sau khi nghe ý kiến và báo cáo của các đơn vị trong cuộc họp, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương đánh giá cao tinh thần chuẩn bị của các Phòng GD&ĐT, nhà trường cũng như sự vào cuộc của UBND quận, huyện, thị xã để có tâm thế tốt nhất khi học sinh tiểu học, lớp 6 quay trở lại học trực tiếp từ ngày 6/4.
Nhấn mạnh việc mở cửa trường học là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, ông Trần Thế Cương đề nghị lãnh đạo thành phố cùng các Sở, ban, ngành, các địa phương cùng tham gia để giúp các em học sinh sớm quay trở lại trường học. Lãnh đạo các Phòng GD&ĐT, Ban Giám hiệu các nhà trường cần báo cáo với chính quyền địa phương để tạo thuận lợi cho học sinh quay lại trường.
Cuộc họp được tổ chức trực tuyến với 30 điểm cầu Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã |
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Đến thời điểm này, các nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng đón hơn 1 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trở lại. Điều quan trong nhất mà ngành GD&ĐT Thủ đô phải thực hiện là làm thế nào để đảm bảo an toàn nhất cho các em học sinh khi quay lại học tập.
Do đó, các trường cần quan tâm đến nguồn lực, điều kiện khi tổ chức bán trú; Không lơ là, chủ quan, xem nhẹ các khâu, đồng thời phối hợp với y tế và các ban, ngành địa phương đảm bảo thông suốt việc học tập của học sinh trên tinh thần đảm bảo an toàn đến đâu thì cho học sinh quay lại học đến đó. Khi tổ chức bán trú, các bếp ăn phải tổng vệ sinh khử khuẩn,đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các nhà trường cần làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của phụ huynh khi học sinh quay lại học tập. Hiện nay, vẫn còn một số phụ huynh có tâm lý em ngại khi cho con đến trường. Do đó, các thầy cô cần tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh hiểu về sự cần thiết của việc cho học sinh đến trường; Đồng thời, cần tiếp tục triển khai dạy trực tuyến cho học sinh chưa đến trường.
Khi học sinh đi học trở lại, cần có phương án để học sinh làm quen với trường lớp, với thầy cô. Chỉ còn gần 2 tháng nữa kết thúc năm học, các thầy cô cần quan tâm dạy chương trình cốt lõi đảm bảo khung năm học, đặc biệt quan tâm đến học sinh lớp 9 khi các em bước vào kỳ thi chuyển cấp, đồng thời cũng là lứa học sinh đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10.
Ông Trần Thế Cương cũng cho biết, sau khi khối lớp 1-6 đến trường đảm bảm an toàn, Sở sẽ chỉ đạo các nhà trường tiến hành việc lấy ý kiến cha mẹ học sinh để đồng thuận quyết định cho đi học trở lại. Các trường mầm non từ thời điểm này cần kích hoạt các điều kiện về công tác vệ sinh môi trường, bếp ăn bán trú, sẵn sàng cho học sinh đi học trở lại
Các nhà trường cũng cần chuẩn bị điều kiện tốt nhất để tiêm phòng cho học sinh từ 5-11 tuổi, dự kiến sẽ tiêm quý II/2022; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ huynh đồng thuận vì chỉ có tiêm vắc xin mới đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường học.