Hà Nội: Áp dụng công nghệ giám sát buôn lậu trên kênh thương mại điện tử
Tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua thương mại điện tử cho doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn |
Thời gian qua, thương mại điện tử có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ này cũng là kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc…
Theo đó, trên địa bàn Hà Nội, chỉ tính riêng trong hai năm 2021 và 2022, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 4.513 vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử; khởi tố hình sự 10 vụ đối với 20 đối tượng; Phạt hành chính trên 530,9 tỷ đồng.
Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết: “Cục QLTT TP Hà Nội là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 thành phố. Ngay từ tháng 11/2020, chúng tôi đã ban hành Kế hoạch số 03, 07 về tăng cường đấu tranh chống gian lận trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Chúng tôi đã chủ động kiểm tra, xử lý các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, kinh doanh hàng giả, nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc”.
Cũng theo ông Trần Việt Hùng, những thủ đoạn thường thấy là các đối tượng lập và sử dụng nhiều tài khoản riêng để thực hiện việc kinh doanh hàng hóa thông qua livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok. Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ kinh doanh, thường chọn nhà riêng làm điểm bán hàng. Họ trốn thuế, lợi dụng để kinh doanh hàng vi phạm…
Hàng giả tràn lan trên kênh thương mại điện tử |
Đối với các giao dịch trên mạng xã hội, việc chứng minh giao dịch thương mại là rất khó khăn, phức tạp. Người mua, người bán trao đổi qua tin nhắn cá nhân; Hàng hóa vận chuyển qua dịch vụ vận chuyển, logistics hoặc qua đường bưu chính, thanh toán trực tuyến bằng tài khoản cá nhân.
Hơn nữa, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để tìm nơi cất giấu hàng hóa, lực lượng quản lý thị trường phải phối hợp tạo lập bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm của đối tượng.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội: Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; Đưa các giải pháp về công nghệ áp dụng vào quá trình giám sát, phòng ngừa; Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về thương mại điện tử cho công chức quản lý thị trường...
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cũng cũng chủ động phối hợp với Sở Công thương thành phố và lực lượng chức năng khác sẽ rà soát, phân loại các trang web thương mại điện tử, các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trực tuyến; Phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại điện tử để tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về thương mại điện tử; Qua đó, vừa khuyến cáo, vừa xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, chào bán hàng giả, hàng cấm trên mạng.