Giúp con không “hụt hơi” ở lớp đầu cấp
Ảnh minh họa: Minh Việt
Rèn luyện kĩ năng tự học
Có thể nói rằng, khoảng thời gian trẻ bắt đầu bước vào lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) là vô cùng quan trọng, điều này tác động không nhỏ đến quá trình học tập ở lớp tiếp theo. Sự thay đổi môi trường học, phương pháp học và đặc biệt là sự khác biệt về kiến thức, số lượng bài vở quá nhiều khiến học sinh không biết nên bắt đầu từ đâu, không biết kiến thức nào là cần thiết…
Ở cấp THPT, học sinh vào lớp 10 vẫn còn bỡ ngỡ, môi trường mới khác hẳn so với cấp THCS. Các em ngại giao tiếp với người mới, thậm chí có em thấy lạc lõng, chán nản. Thêm vào đó, cách học hoàn toàn mới, cách giảng bài nhanh lại phải tự học, tự nghiên cứu khiến không ít em cảm thấy “tục dốc”... Hơn nữa, ở cấp học này, thầy cô sẽ không quá quan tâm học sinh như các cấp dưới. Giáo viên có khuynh hướng rèn luyện cho các em tính độc lập, tự chủ trong học tập. Các phương pháp thảo luận nhóm, tự thực hiện đề tài… sẽ là những hình thức học phổ biến ở bậc THPT. Để khoảng thời gian này nhanh chóng trôi qua mà không bị gặp áp lực, đa số các thầy, cô giáo đều cho rằng, học sinh nên tập làm quen với các bạn mới, phương pháp học mới. Tích cực tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm sẽ giúp các em phát huy được sở trường, rèn luyện bản lĩnh, thể hiện cá tính của mình. Ngoài ra, học sinh phải dành nhiều thời gian cho tự học, tự nghiên cứu.
Không chỉ ở lớp 10 mà ngay từ lớp 6, các em cũng phải làm quen với việc tự giác học hành. Một giáo viên chủ nhiệm lớp 6 trường THCS Ngọc Lâm cho biết, nếu như ở cấp tiểu học, học sinh chỉ việc tự chăm sóc bản thân và làm theo lời cô dặn thì ở cấp THCS, cô nhắc nhở ít hơn, các con sẽ phải tự học nhiều hơn. Không ít học sinh bị “sốc” vì số lượng bài vở “khổng lồ” cả trong sách giáo khoa và sách bài tập. Dù cô giáo giao bài tập về nhà nhưng do phụ huynh vẫn giữ nếp bắt con làm thêm bài tập ở sách bổ trợ bên ngoài dẫn đến học sinh không đủ thời gian học môn khác và cảm thấy căng thẳng. Bởi vậy, theo cô, cách tốt nhất là cha mẹ nên rèn kĩ năng tự học cho con, học có trọng tâm theo giáo viên dạy và ra bài tập ở trên lớp.
Không học thêm tràn lan
Vì môi trường mới, phương thức học thay đổi và đặc biệt là lượng kiến thức nhiều dẫn đến việc phụ huynh cho con đi học thêm tràn lan.
Theo thầy Vũ Văn Hiển, giáo viên Toán lớp 10A8, trường THPT Lý Thường Kiệt (Long Biên, Hà Nội), để học tốt hơn, trước hết học sinh không nên dành nhiều thời gian vào mạng xã hội. Các em nên tìm hiểu phương pháp học từ các anh chị đi trước, nếu còn băn khoăn thì trao đổi trực tiếp với thầy cô hoặc về nhà nói chuyện nghiêm túc với bố mẹ. Ngoài ra, học sinh không cần đi học thêm, chỉ cần học và nghiên cứu bài vở nghiêm túc khi ở nhà.
“Phụ huynh nên quản lý chặt chẽ con mình, không nên cho con đi học thêm nhiều, các con tự học là chính. Đối với các thầy cô, khi học sinh mới vào trường còn nhiều bỡ ngỡ, giáo viên nên gần gũi các con hơn. Thời gian đầu, thầy cô nên giảng dạy chậm một chút để học sinh làm quen. Sau khi quen rồi, sẽ tăng tốc hơn để đảm bảo thời lượng chương trình. Chúng ta nên chọn bài tập theo chủ đề để cho các con biết đâu là trọng tâm và đâu là phần ít cần thiết hơn”, thầy Hiển chia sẻ kinh nghiệm.
Chia sẻ về phương pháp dạy học sinh mới vào lớp 10, cô Trịnh Phương Dung, giáo viên dạy môn Văn, trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết, một số học sinh vào học lớp 10 có tâm lý “xả hơi” sau một năm học vất vả và đỗ nguyện vọng như mong muốn. Ngoài ra, ở lớp 9, đa số học sinh tập trung học hai môn Văn, Toán để ôn vào lớp 10 nên kiến thức nhiều em bị “hổng” ở một số môn khác như Lý, Hóa, Ngoại ngữ… Khi vào lớp 10, do phải học nhiều môn cùng lúc nên học sinh không kịp thích ứng dẫn đến lo lắng, phải chạy đôn đáo đi học thêm nhiều nơi…
Vì vậy, cô Dung khuyên rằng, các con nên chuẩn bị tốt tâm thế. Chăm chỉ ngay từ những tiết học đầu tiên; tập trung giải quyết bài tập thầy cô giao; cố gắng học bài, làm tốt các bài trong sách giáo khoa. Các con không đi học thêm tràn lan, vừa lãng phí thời gian, tiền bạc mà không hiệu quả. Với những môn học yếu, hổng kiến thức, học sinh nên củng cố, bổ sung bằng cách tự học, hỏi bạn, hỏi thầy cô; tự xây dựng kế hoạch học tập khoa học, thời gian biểu rõ ràng để tạo thói quen tốt; xác định đúng sở trường, sở đoản để có định hướng môn thi, khối thi trong tương lai.
Cô Phạm Hương Giang, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương chia sẻ: Hầu hết giáo viên lớp 6 đều đề cao phương pháp dạy và hướng dẫn các con học. Dù có sự hướng dẫn nhưng nhiều học sinh vẫn gặp khó khăn như: Phương pháp học, kiến thức học khác và nặng hơn nhiều so với bậc tiểu học. Đặc biệt, cách đánh giá học sinh cũng khác hoàn toàn. Nếu như ở tiểu học là đánh giá động viên, khích lệ và nhận xét thì ở cấp THCS quy đổi ra điểm số, có lịch thi định kì cụ thể và kiểm tra đột xuất... Vì vậy, những học sinh không bắt kịp sự thay đổi này rất dễ dẫn đến “rơi tự do”.
“Dưới góc độ quản lý, tôi đã tác động đến đội ngũ giáo viên về phương pháp giáo dục. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tác động trực tiếp đến học sinh, thông qua “group” chia sẻ với phụ huynh về bài vở trên lớp và tình hình học tập của các con… Đặc biệt, trường tôi luôn có cái nhìn bao dung đối với các con lớp 6, vì các con phải thay đổi môi trường đột ngột, việc sa sút trong học tập và chưa bắt kịp với chuyện học hành là việc tất yếu.
Về phía phụ huynh, tôi cho rằng cha mẹ phải giúp con một số việc sau: Một là, hỗ trợ các con lên thời khóa biểu tại nhà, tức là kiểm soát thời gian các con tự học, tránh tình trạng giống như cấp học dưới là chỉ học ở trường, về nhà không cần học; Hai là, quản lý mối quan hệ bạn bè của con, vì ngoài bạn thực, các con còn có cả bạn ảo trên mạng xã hội nữa; Ba là quản lý về tiền bạc và cuối cùng, không nên cho con đi học thêm tràn lan, phải học tốt kiến thức trên lớp đã, còn thừa thời gian mới đi học thêm”, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương nhấn mạnh.