Giáo dục Thủ đô – hành trình 65 năm vinh quang và tự hào
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tuyên dương tập thể đạt thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giáo dục
Bài liên quan
Thầy cô chia sẻ thực trạng công tác giáo dục vùng dân tộc thiểu số
Báo Tuổi trẻ Thủ đô đoạt giải Ba giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” 2019
Thầy giáo của những học sinh cá biệt
Khoa Chính trị học đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
Tuyên dương 63 thầy cô tiêu biểu dạy học sinh vùng dân tộc thiểu số
Nâng cao năng suất, chất lượng của lực lượng lao động có vai trò sống còn
Những thành tích đáng tự hào
Ngành giáo dục đào tạo Thủ đô đang ở dấu mốc kỷ niệm tròn 65 năm xây dựng và phát triển. Từ khi chỉ 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông và một trường kỹ nghệ thực hành với tổng số chưa đầy một vạn học sinh năm 1954, đến nay Hà Nội được mở rộng cả về quy mô, diện tích; trở thành địa phương đứng đầu cả nước về số lượng trường học cũng như số lượng giáo viên và học sinh. Toàn thành phố có 2.744 trường từ mầm non tới THPT với hơn 2 triệu học sinh. Trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019, Hà Nội là đơn vị có số bài thi đạt điểm 10 cao nhất cả nước với 166 bài. Hà Nội liên tục dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 239 giải và huy chương quốc tế. Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn thành phố là 96,18%. Công tác phổ cập giáo dục và xoá mù chữ được nâng cao về chất lượng…
Năm học 2019 - 2020 là năm học có ý nghĩa quan trọng với ngành Giáo dục Thủ đô bởi dấu ấn tròn 65 năm tuổi. Một trong những cuộc vận động có ý nghĩa trong một hành trình dài, thúc đẩy đội ngũ nhà giáo Thủ đô không ngừng hoàn thiện, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, góp phần tích cực vào những chuyển biến của ngành Giáo dục Thủ đô thời gian qua là cuộc vận động “Xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”. Đây được coi là mục tiêu, cũng là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi trường học trên địa bàn Thủ đô trong suốt 15 năm qua, kể từ ngày khởi xướng cuộc vận động.
Bên cạnh đó, một trong những bước đột phá của ngành là tăng cường hội nhập quốc tế trong GD-ĐT; Nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động hợp tác quốc tế tại các cơ sở giáo dục. Ngành giáo dục đã triển khai thực hiện tốt Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng Việt Nam – Anh quốc (chứng chỉ Cambridge) ở 8 trường thuộc cấp THPT và THCS trên địa bàn thành phố. Ngành tiếp tục nghiên cứu, mở rộng ở cả 3 cấp học (tiểu học, THCS, THPT) tại những địa phương có điều kiện.
Ngoài ra, lần đầu tiên ngành GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức thành công và giành kết quả cao kì thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC) với sự tham dự của hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ; tổ chức kỳ thi Toán và Khoa học IMSO 2019 với sự tham gia của hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Các thầy, cô giáo được vinh danh giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 3 |
Nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục
Với đội ngũ hơn 155.000 nhà giáo đang làm công tác quản lý, giảng dạy tại hơn 2.700 trường mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục Thủ đô hiện là đơn vị có số lượng nhà giáo lớn nhất cả nước.
Không chỉ lớn mạnh về quy mô, với sự nỗ lực của bản thân mỗi nhà giáo, đội ngũ nhà giáo Thủ đô đã không ngừng hoàn thiện mình theo các tiêu chí nhà giáo mẫu mực với ba yếu tố: Phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp. Những yếu tố ấy không chỉ thể hiện ở con số 100% giáo viên đứng lớp đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn đạt từ 70% đến hơn 90% (tùy từng cấp học) - cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước, mà còn qua những việc cụ thể hằng ngày, tạo nên những nét đẹp riêng có, làm lan tỏa toàn ngành, được đồng nghiệp trên cả nước biết đến và khâm phục, tự hào.
Đó là cô giáo Phạm Minh Ngọc – giáo viên trường Mầm non Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Với lòng yêu nghề, yêu trẻ, cô đã nghiên cứu, thiết kế và áp dụng có hiệu quả nhiều phần mềm giáo dục như: “Trí tuệ bé yêu”, “Cây cọ nhí”, “Bé yêu khám phá” với 4750 trò chơi, bài tập, đoạn băng được ứng dụng từ các chương trình phần mềm. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp – giáo viên trường Tiểu học Tân Mai (quận Hoàng Mai), người đã luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm , dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc chăm sóc, dạy dỗ học sinh mắc chứng tăng động, giảm tập trung, học sinh tự kỉ.
Năm 2013, trên đường đi dự tiết chuyên đề Toán ở trường bạn, cô giáo Nguyễn Thị Hạ - giáo viên trường THCS Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) không may gặp tai nạn, mất chân phải. Thế nhưng, suốt gần chục năm qua, vượt qua bao khó khăn, cô vẫn cố gắng đến lớp với đôi chân không lành, tiếp tục dạy học trò với lòng yêu nghề và nhiệt huyết tràn đầy. Không những thế, hàng năm, cô đều sắp xếp dạy phụ đạo ngoài giờ miễn phí cho các học sinh yếu kém, tăng cường ôn thi vào lớp 10 ngoài giờ cho các em. Nhiều lần cô phải đến tận nhà học sinh có hoàn cảnh khó khăn để vận động các em tới lớp, động viên gia đình không để con em mình bỏ học giữa chừng. Cô Nguyễn Thị Hạ được UBND TP Hà Nội vinh danh danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019.
Đó chỉ là một vài trong số hàng trăm nghìn tấm gương nhà giáo đang ngày đêm miệt mài đem tâm sức, trí tuệ, sự nhiệt huyết, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, góp sức xây dựng các nhà trường văn hóa ở Thủ đô. Và như Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng nhận định: Để đạt mục tiêu đi tiên phong trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngành Giáo dục Thủ đô đang đứng trước nhiều thách thức.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố chúc mừng ngành giáo dục Thủ đô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. |
Xúc động chia sẻ trong lễ tuyên dương Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm 2019, ông Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GD – ĐT Hà Nội tâm sự: “Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành giáo dục đào tạo Thủ đô, mỗi nhà giáo chúng ta lại thấy lòng mình sống động một niềm vui, vinh dự và tự hào được học trò và xã hội tôn vinh. Đó là một vinh dự lớn nhưng cũng đồng thời là trách nhiệm. Mỗi cán bộ, giáo viên cần ý thức đầy đủ hơn về những điều làm nên vị trí ấy và xác định trách nhiệm mới cho mình, cần phải học tập, phấn đấu thường xuyên để vượt qua mình trong mọi hoàn cảnh, để cống hiến hơn nữa cho sự phát triển của giáo dục đào tạo Thủ đô, để xứng đáng với vinh dự và sự nghiệp vẻ vang của mình”.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô chúc mừng ngành giáo dục Thủ đô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
Chiều 19/11, nhân kỷ niệm 65 năm thành lập ngành giáo dục Hà Nội và 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2019), đồng chí Nguyễn Mạnh Hưng – Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đến chúc mừng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Sở GD – ĐT Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hưng – Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô đã trao tặng lẵng hoa tươi thắm cùng những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các cán bộ, nhân viên đang công tác trong ngành giáo dục Thủ đô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đồng thời bày tỏ mong muốn thời gian tới công tác tuyên truyền về giáo dục – đào tạo trên báo Tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục nhận được quan tâm hỗ trợ của Sở GD – ĐT Hà Nội.
Gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Biên tập và những người làm báo Tuổi trẻ Thủ đô, đồng chí Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT Hà Nội cảm ơn báo Tuổi trẻ Thủ đô luôn dành tình cảm tốt đẹp và đồng hành với công tác quản lý giáo dục, đào tạo của Sở trong thời gian qua. Đồng chí Lê Ngọc Quang cũng mong muốn trong thời gian tới báo và Sở GD – ĐT Hà Nội tiếp tục tăng cường sự phối hợp để công tác tuyên truyền những thành tựu của giáo dục – đào tạo Thủ đô đạt được những hiệu quả thiết thực, có tính lan tỏa sâu rộng.