Giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em như người Nhật
Trẻ em Nhật Bản được giáo dục an toàn giao thông từ rất sớm
Bài liên quan
Các trường học nỗ lực tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông
9 tháng đầu năm, hơn 5.600 người chết do tai nạn giao thông
Nhiều phụ nữ Nhật phải điều trị tâm lý do bị quấy rối
Nhật Bản: Cho phép nhân viên nghỉ ba ngày cuối tuần, năng suất tăng 39,9%
Giáo dục từ sớm
Đến năm 2020, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu giảm số ca tử vong do tai nạn giao thông chỉ dừng ở mức 2.500 người. Nhằm biến điều đó thành hiện thực, ý thức và kiến thức về an ATGT của người dân luôn được quan tâm hàng đầu.
Trẻ em Nhật Bản đã được phổ cập kiến thức rất sớm từ ngay trường mầm non. Nội dung phong phú nhưng linh hoạt và tuỳ theo tình hình thực tế từng trường, địa phương.
Đơn cử như học sinh tại thủ đô Tokyo thường di chuyển bằng tàu điện ngầm hay xe buýt… do đó các trường học sẽ tập trung vào việc giáo dục ATGT khi di chuyển bằng các phương tiện công cộng.
Trẻ em Nhật Bản rất tuân thủ luật lệ an toàn giao thông |
Tại Kyoto, học sinh chủ yếu đến trường bằng xe đạp. Các em sẽ phải hoàn thành một khóa học về ATGT để được cấp bằng lái xe đạp.
Không chỉ nhà trường mà nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng rất quan tâm đến vấn đề giáo dục ATGT cho trẻ em. Nhiều công ty vận tải lớn tại xứ sở mặt trời mọc thường xuyên tổ chức các lớp học ATGT miễn phí.
Tại đây, các tài xế xe tải sẽ mặc trang phục hoạt hình vui nhộn và giải đáp thắc mắc của các em về ATGT cũng như giải thích cho học sinh biết điểm nguy hiểm nằm ở đâu. Đến nay những mô hình như vậy đã lên đến con số hơn 1.000 trên khắp đất nước Nhật Bản.
Lý thuyết gắn liền với thực tiễn
Để các bài học lý thuyết không trở nên nhàm chán và chóng quên, những giờ học về ATGT của trẻ em Nhật Bản trở nên sinh động hơn với nhiều hoạt động thực tế gắn liền với cuộc sống hàng ngày.
Ngoài những giờ học trên lớp, các em học sinh được đưa đến những bãi tập xe. Tại đây, các em được tận mắt chứng kiến những tình huống giả định có thể xảy ra khi tham gia giao thông ngoài đường phố.
Theo đó, các giáo viên và những tình nguyện viên sẽ minh họa thực tế những pha tai nạn giao thông như đi xe đạp không chú ý, tai nạn khi sang đường, va chạm với ô tô ở những góc cua... Nhờ đó, các em học sinh sẽ cảm nhận được mức độ nguy hiểm khi không tuân thủ Luật giao thông.
Những tình huống tai nạn giao thông được dựng hết sức chân thực |
Điều đặc biệt ở đây là những cảnh đóng tai nạn cảm giác rất chân thực, từ những va chạm mạnh hay tình thế nguy hiểm đều được các tình nguyện viên thực hiện như ngoài đời. Tất nhiên, tất cả các tình nguyện viên đều đã được mặc đồ bảo hộ khi thực hiện.
Mặt khác, những người chịu trách nhiệm giảng dạy khéo léo lồng ghép những câu hỏi và kiến thức về an toàn khi tham gia giao thông cho trẻ. Trẻ được khuyến khích không chỉ ngồi xem mà còn tích cực tham gia vào buổi học bằng việc trả lời những câu hỏi được đưa ra.
Bên cạnh đó, học sinh tại Nhật Bản còn được thực hành lái xe thật tại các trường lái. Các em học cấp 2 - 3 được lái xe go-kart (một loại ô tô thu nhỏ, có gắn động cơ chạy xăng), trong khi các bé nhỏ hơn (khoảng từ 3 - 10 tuổi) sẽ sử dụng xe go-kart chạy điện.
Những chiếc xe này chỉ có thể khởi động khi dây an toàn đã được thắt. Các xe cũng được lắp đèn xi-nhan và gương chiếu hậu hai bên giống như ô tô thật. Hệ thống biển báo giao thông được trang bị như ở ngoài đường phố. Khi đến các giao lộ, ngã rẽ, các “bác tài nhí” sẽ được chỉ dẫn thao tác quan sát, rẽ chuyển hướng và lái đúng, an toàn.
Sau bài thực hành này, kết quả sẽ được công bố và những ai vượt qua vòng kiểm tra sẽ được nhận bằng lái. Trong quá trình học thực hành, các bậc phụ huynh có thể lái xe bên cạnh con mình để chỉ dẫn giao thông cho các bé. Nhờ cách làm đó, cả gia đình được học ATGT cùng nhau.
Trên thế giới, cứ 20 giây thì có một người tử vong vì tai nạn giao thông, làm thiệt hại 2% tổng GDP (khoảng 1500 tỷ USD). Theo thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia thì 10 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 14.251 vụ tai nạn giao thông. Mỗi ngày tai nạn giao thông gây thiệt hại từ 350 đến 500 tỷ đồng. Tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em còn cao so bình quân của thế giới và khu vực. Tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 1.900 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông không chỉ là nỗi đau của riêng mỗi gia đình mà còn là gánh nặng của xã hội.
Bên cạnh những nguyên nhân do người lớn vi phạm các quy định gây tai nạn giao thông cho trẻ em, thì cũng do ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông chưa tốt cùng với kỹ năng tham gia giao thông của các em còn hạn chế như: đi sai làn đường; dàn hàng ngang; vừa đi vừa đùa nghịch; điều khiển xe môtô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe hay không đội mũ bảo hiểm…
Vì vậy cần phải chú trọng đến công tác tuyên truyền giáo dục đến các em học sinh. Những chương trình cụ thể được lồng ghép bên cạnh các môn học chính khóa để sớm hình thành được ý thức cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ngoài ra mỗi bậc phụ huynh cũng nên là tấm gương cho chính con em mình. Mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng vẫn có không ít phụ huynh đậu xe dưới lòng đường chờ con tan trường, không đội mũ bảo hiểm cho trẻ, chở nhiều trẻ cùng lúc, cho trẻ ngồi trên xe gắn máy với tư thế không an toàn, ngang nhiên đi ngược chiều, vượt đèn đỏ…