Giảng đường đại học tìm đâu những nhân tố tích cực?
Ngô Minh Hiếu và Nguyễn Tất Minh đều tiến vào giảng đường đại học |
Các giảng đường đại học đã đón chào các tân sinh viên. Điều khiến cộng đồng xôn xao không phải vì điểm chuẩn rất cao của những cơ sở đào tạo uy tín, mà lại là hành vi đẹp đẽ của ứng viên Ngô Minh Hiếu trượt Đại học Y Hà Nội. Câu chuyện của Ngô Minh Hiếu khiến cộng đồng phải tư duy lại về lòng trắc ẩn và sự tử tế trong cuộc sống hôm nay.
Chàng trai Ngô Minh Hiếu có hộ khẩu thường trú ở xóm 1, xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Suốt 10 năm qua, Ngô Minh Hiếu đã cõng người bạn láng giềng bị tật nguyền là Nguyễn Tất Minh đến trường. Quãng đường ấy xa hay gần, chưa cần biết, nhưng Ngô Minh Hiếu đã san sẻ nỗi bất hạnh một cách lặng lẽ và kiên trì. Vì hành vi cao thượng ấy của Ngô Minh Hiếu, mà người bạn khiếm khuyết Nguyễn Tất Minh đã hoàn thành bậc trung học một cách trọn vẹn.
Mùa tuyển sinh đại học năm nay, Nguyễn Tất Minh đạt nguyện vọng vào ngành công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách Khoa – Hà Nội, còn Ngô Minh Hiếu không đạt nguyện vọng vào ngành y khoa của Đại học Y Hà Nội vì thiếu 0,25 điểm. Ngô Minh Hiếu có tổng số điểm là 28,25, nhưng trường Đại học Y Hà Nội lại lấy điểm chuẩn 28,5. Ngô Minh Hiếu đã thiếu một chút may mắn, dù có học lực và nghị lực đáng nể.
Trên nhiều diễn đàn, các ý kiến sôi sục đề nghị Đại học Y Hà Nội hãy đặc cách nhận chàng trai Ngô Minh Hiếu làm sinh viên. Đó là một đòi hỏi đầy thiện chí và đáng ủng hộ, vì Ngô Minh Hiếu đã lan tỏa năng lượng sống tích cực cho cộng đồng. Nếu trường hợp Ngô Minh Hiếu bước chân vào giảng đường Đại học Y Hà Nội, thì niềm hãnh diện nhân đôi cho cả Ngô Minh Hiếu lẫn Đại học Y Hà Nội. Bởi lẽ, một người từ nhỏ đã biết cưu mang người khác như Ngô Minh Hiếu, chắc chắn là nền tảng để có một bác sĩ đúng nghĩa “lương y như từ mẫu”.
Thế nhưng, bất ngờ thay, Ngô Minh Hiếu cảm ơn những tình cảm khắp nơi dành cho mình, nhưng xin từ chối sự đặc cách. Ngô Minh Hiếu nói rõ quan niệm của mình: “Nếu được, suất đặc cách của em có chắc sẽ bằng các suất đậu chính thức của các bạn hay không? Và khi em vào học, liệu các bạn ở trong trường có coi em như một người bạn bình thường hay không? Người ta có xa lánh mình hay không vì mình là người được đặc cách? Như vậy, họ có phục mình không, người ta sẽ nghĩ mình như thế nào…?”.
Tình bạn đáng quý giữa Ngô Minh Hiếu và Nguyễn Tất Minh |
Những ngôn từ đơn giản và mạnh mẽ của chàng trai 18 tuổi Ngô Minh Hiếu đã khiến những ai luôn tranh thủ mọi sự đặc cách trong xã hội hiện nay, phải giật thót vì ngượng ngùng. Bao nhiêu người có điều kiện tốt hơn Ngô Minh Hiếu đang giành giật sự đặc cách về đi lại, về hưởng thụ, về bổ nhiệm có bao giờ ưu tư “người ta sẽ nghĩ mình như thế nào?”. Con người trưởng thành và tử tế khi biết soi mình qua ánh mắt của người khác. Xấu hổ là cảm xúc lương thiện đầu tiên, khi biết mình có thể thô bạo hoặc toan tính bước qua lằn ranh của sự công bằng và sự văn minh.
Chàng trai Ngô Minh Hiếu chọn nguyện vọng thứ hai là vào Đại học Y Thái Bình. Vậy là Ngô Minh Hiếu không có cơ hội để cõng Nguyễn Tất Minh tiếp tục vượt qua mưa gió đi học mỗi ngày. Hai giảng đường đại học khác nhau được chia sẻ hai nhân tố tử tế Ngô Minh Hiếu và Nguyễn Tất Minh. Có thể, nay mai mạnh thường quân nào đó sẽ mua tặng cho Nguyễn Tất Minh một chiếc xe lăn để làm phương tiện đến giảng đường, nhưng hơi ấm từ tấm lưng Ngô Minh Hiếu suốt một thập niên qua vẫn là món quà cực kỳ quý giá mà Thượng đế đã ban cho Nguyễn Tất Minh để vượt qua số phận trớ trêu.
Giáo sư Tạ Thành Vinh – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội nói về trường hợp đáng tiếc của ứng viên Ngô Minh Hiếu: “Nhà trường cũng đã tìm hiểu thì được biết em Ngô Minh Hiếu đã có tên trong danh sách trúng tuyển vào ngành y khoa Trường Đại học Y Thái Bình, cũng là một cơ sở đào tạo ngành y khoa có chất lượng. Và điều quan trọng là em Ngô Minh Hiếu vẫn được toại nguyện giấc mơ trở thành bác sĩ. Nếu như em Ngô Minh Hiếu vẫn tha thiết mong muốn được đào tạo ở Trường Đại học Y Hà Nộisau khi tốt nghiệp Trường Đại học y Thái Bình, em ấy có thể dự tuyển vào bác sĩ nội trú của Đại học Y Hà Nội”. Về phía Trường Đại học Y Thái Bình, họ đã tiếp nhận sinh viên Ngô Minh Hiếu một cách nồng nhiệt và cam kết sẽ miễn toàn bộ học phí cho chàng trai này.
Không thể phủ nhận, câu chuyện nhân văn của đôi bạn Ngô Minh Hiếu – Nguyễn Tất Minh, đã giúp nuôi dưỡng giá trị lá lành đùm lá rách cho người Việt trong thế kỷ 21. Và hơn nữa, sự từ chối đặc cách 0.25 điểm để vào Đại học Y Hà Nội của Ngô Minh Hiếu, cũng trở thành bài học về lòng tự trọng cho người Việt thời hội nhập đua chen danh lợi.
Nhân sự việc chàng trai Ngô Minh Hiếu trượt Đại học Y Hà Nội, cũng là dịp để băn khoăn về những nhân tố tích cực ở giảng đường đại học. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia được tổ chức muộn màng và đặc biệt hơn, và phản ứng dây chuyền là các trường đại học cũng tuyển sinh căng thẳng hơn. Phương án xét tuyển của các trường đại học liên tục thay đổi, với không ít cách thức lôi kéo Tú tài nhập học một cách quyết liệt.
Một sự kiện được nhiều người chú ý, đó là 191 học sinh trong tổng số 259 học sinh vừa hoàn tất lớp 12 của Trường THPT An Thới (Phú Quốc – Kiên Giang) đã nhận được giấy báo trúng tuyển từ Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng – TPHCM. Hiệu trưởng Trường THPT An Thới cho biết đơn vị này căn cứ danh sách học sinh đăng ký xét tuyển đại học để photo học bạ rồi chuyển lên TP.HCM cho Đại học Hồng Bàng. Còn vì sao Trường THPT An Thới lại chuyển hồ sơ học sinh đến Đại học Hồng Bàng mà không phải nơi khác, là một điều cực kỳ tế nhị và nhạy cảm. Nhiều người xôn xao, nhưng cũng đành chấp nhận câu chuyện trên, như một ví dụ về giáo dục đại học thời kinh tế thị trường.
Hệ lụy của quá trình bùng nổ đại học là các trường ngoài công lập chạy đua tuyển sinh với nhau khá nóng bỏng. Các phương án xét tuyển căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, thi đánh giá năng lực và xét học bạ, đã mở ra rất nhiều nguyện vọng cho thí sinh. Dĩ nhiên, số lượng ứng viên “ảo” cũng tăng lên. Vì vậy, chỉ cần không vi phạm quy chế tuyển sinh, thì các trường đại học tranh thủ gửi giấy báo trúng tuyển khắp nơi.
Ở nhiều vùng quê, không ít gia đình dở khóc dở cười khi con em mình có học lực trung bình cũng nhận được dăm bảy giấy mời nhập học từ nhiều trường đại học khác nhau. Để giành giật sinh viên, năm nay còn xuất hiện thêm hiện tượng buồn cười là có thư nặc danh gửi đến thí sinh và phụ huynh để chê bai một số trường đại học tại Đà Nẵng. Vô cớ trở thành nạn nhân của một chiến dịch cạnh tranh không lành mạnh, nên các trường Đại học Đông Á, Đại học Kiến trúc và Đại học FPT đã đứng tên chung đểlàm một thư ngỏ phản bác những thông tin bất lợi. Thậm chí Đại học Đà Nẵng cũng có văn bản gửi Công an Đà Nẵng đề nghị xác minh, xử lý kẻ đã tung thư nặc danh.
Đại học cạnh tranh với nhau có lắm trò cười khóc. Để thu hút sinh viên, đại học tự quảng cáo “có đội ngũ giáo sư chuyên nghiệp”, thì không lẽ có đại học khác sử dụng “giáo sư không chuyên nghiệp sao”? Chưa hết, thông qua quan hệ với các trường trung học phổ thông, nhiều trường đại học còn lấy được số điện thoại của học sinh vừa có bằng tú tài để gửi tin nhắn kêu gọi nhập học ngay ở trường mình, đừng chờ đợi những nguyện vọng ở trường khác.
Đại học là môi trường quan trọng để chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai. Thế nhưng, chất lượng đại học nước ta vẫn là ẩn số. Trong khi các trường trung học phổ thông hăng hái thống kê tỷ lệ học sinh đậu đại học, thì lại không có trường đại học nào dám đưa ra thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm. Đành rằng, giáo dục cũng có thể miễn cưỡng xem như một ngành công nghiệp không khói, nhưng đại học muốn tự chủ cũng phải cần tự trọng. Đại học phải đầu tư xây dựng uy tín để tuyển sinh, chứ không thể vận dụng mánh khóe để tuyển sinh.