Giải cứu 10 người trong vụ cháy giả định tại trường Alfred Nobel
Đại uý Trần Văn Khả - Giảng viên khoa chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Trường Đại học PCCC giao lưu, đặt câu hỏi với các em học sinh về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn khi xảy ra cháy |
Với tình huống giả định, vào 10h ngày 9/1/2025, xảy ra cháy từ phòng làm việc tại tầng 1 nhà B, Trường Tiểu học tư thục Alfred Nobel. Nguyên nhân cháy do hệ thống điện cấp cho điều hòa nhiệt độ bị quá tải dẫn tới chập cháy. Chất cháy chủ yếu là thiết bị điện, nhựa tổng hợp, sách vở, gỗ… nên ngọn lửa nhanh chóng bùng phát dữ dội.
Lúc này hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động của cơ sở đang được bảo dưỡng theo định kỳ, do đó không hoạt động được. Vận tốc cháy lan của đám cháy vào khoảng 1,2m/phút. Hướng lan của ngọn lửa ra xung quanh, đám cháy phát triển theo nửa hình tròn, khói và các sản phẩm cháy không thoát được ra ngoài, bao phủ một phần tầng 1.
Sự cố cháy đã tạo ra lượng khói bao phủ lối thoát nạn và ảnh hưởng đến hệ thống chiếu sáng khu vực tầng 1 làm cho tầm nhìn tại khu vực này bị hạn chế, gây ra sự hoảng loạn với cán bộ, giáo viên và học sinh. Trong đó có 10 người bị mắc kẹt tại khu vực tầng 1 của cơ sở.
Cán bộ, chiến sỹ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp với lực lượng chữa cháy tại chỗ triển khai các mũi diễn tập dập lửa, cứu nạn tại Trường Tiểu học tư thục Alfred Nobel |
Phát hiện cháy, Đội PCCC cơ sở, lực lượng bảo vệ đã nhanh chóng cắt điện khu vực có cháy, sử dụng các trang thiết bị hiện có như: bình chữa cháy xách tay, hệ thống chữa cháy vách tường để tổ chức chữa cháy ban đầu và thông báo cho mọi người biết, đồng thời gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH TP Hà Nội.
Lực lượng chữa cháy tại chỗ đã hướng dẫn thoát nạn cho những người còn ở khu vực tầng 1 và các tầng phía trên thoát ra ngoài an toàn; di chuyển các tài sản chưa bị cháy tại tầng 1 ra vị trí tập kết, tạo điều kiện cho lực lượng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ triển khai lực lượng, phương tiện dập tắt đám cháy và cứu nạn cứu hộ trong đám cháy.
Bộ phận kỹ thuật đảm bảo ánh sáng dự phòng phục vụ cho thoát nạn, hướng dẫn qua phương tiện loa cầm tay để mọi người thoát hiểm một cách trật tự, an toàn và có tổ chức. Sử dụng bình chữa cháy xách tay, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà để ngăn chặn không cho đám cháy phát triển và bảo vệ cấu kiện xây dựng; nhanh chóng di chuyển tài sản ra nơi an toàn, ngăn chặn cháy lan.
Xe thang vươn cần giải cứu những người mắc kẹt trên tầng cao trong buổi diễn tập |
Nhận tin báo xảy ra cháy tại Trường Tiểu học tư thục Alfred Nobel, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Đống Đa đã phát lệnh báo động, xuất 1 xe chỉ huy, 2 xe chữa cháy, 1 xe thang cùng cán bộ, chiến sỹ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH nhanh chóng tới hiện trường triển khai phương án cứu nạn, dập lửa chữa cháy. Sau ít phút, vụ cháy đã được dập tắt hoàn toàn, lực lượng chữa cháy đã hướng dẫn, cứu nạn thành công 10 người mắc kẹt.
Cán bộ, giáo viên và lực lượng chữa cháy tại chỗ thực hành chữa cháy bằng bình cứu hoả |
Tại buổi diễn tập chữa cháy, cứu nạn, cán bộ, giáo viên và học sinh Trường Tiểu học tư thục Alfred Nobel được Đại uý Trần Văn Khả - Giảng viên khoa chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Trường Đại học PCCC hướng dẫn kỹ năng thoát nạn trong đám cháy, cách chọn lối thoát, cách sử dụng thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp, bảo vệ cơ thể khi xảy ra cháy, nổ.
Cách sử dụng bình chữa cháy và thực hành dập tắt đám cháy với thiết bị chữa cháy, thực hành kỹ năng di chuyển thoát nạn an toàn; cách phòng tránh, sơ cấp cứu các tai nạn, sự cố thường gặp.
Đại uý Trần Văn Khả hướng dẫn cách thoát hiểm khi xảy ra cháy, khói dày đặc |
Đại uý Trần Văn Khả hướng dẫn các em học sinh sử dụng bình cứu hoả dập lửa |
Trao đổi với PV, chỉ huy lực lượng chữa cháy cho biết, buổi diễn tạp đã tạo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng trong tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; nắm rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác công tác chỉ huy điều hành của lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) chuyên nghiệp và lực lượng PCCC cơ sở.
Buổi diễn tập cũng nhằm đánh giá chất lượng, năng lực phối hợp của các đơn vị và đội PCCC cơ sở, khả năng hoạt động của trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH được trang bị tại cơ sở;
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về PCCC và CNCH bằng tình huống thực tế để tác động sâu sắc, hiệu quả đến các cơ sở đóng trên địa bàn cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ.