Gia tăng tai nạn thương tích ở trẻ em dịp cận Tết
Nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông ở trẻ em trong kỳ nghỉ Tết
Mới đây, Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 3 trường hợp đuối nước nghiêm trọng. Trong đó, cả 3 trẻ đều không được sơ cứu đúng cách bằng thổi ngạt, ép tim ngay, mà bị bế dốc ngược chạy. Do đó, các bệnh nhi vào viện trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Nguyên nhân bị đuối nước là do trẻ vui chơi không có sự giám sát của người lớn, nên đã bị ngã xuống hồ cá Koi, ruộng nước, ao và hồ. Sau quá trình hồi sức tích cực bằng các biện pháp thở máy, ổn định huyết động, sử dụng kháng sinh và biện pháp hạ thân nhiệt chủ động để bảo vệ não, các trẻ đã ổn định sức khỏe. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần theo dõi các di chứng thần kinh.
![]() |
Tai nạn sinh hoạt rình rập trẻ dịp Tết |
Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ từ 4-5 phút. Đặc biệt, trẻ đuối nước trong mùa lạnh sẽ dễ bị hạ thân nhiệt nhanh, làm bệnh tình thêm nặng nề. Do vậy, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay, vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.
Ngày 15/1/2025, bé trai (8 tuổi, ở Nam Định) đang đi bộ trên đường thì không may xảy ra va chạm với xe máy. Sau tai nạn, trẻ đau đầu, kích thích vật vã, sưng nề vùng hàm mặt, nhiều vết thương trên cơ thể. Trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh để sơ cấp cứu, sau đó chuyển đến Khoa Cấp cứu và Chống độc - Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị chuyên sâu.
Tại đây, sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, kèm theo có nhiều vết rách da, sưng nề vùng trán, vai, tay và bầm tím nhẹ vùng ngực. Sau khi được các bác sĩ xử lý vết thương và áp dụng các biện pháp điều trị tích cực, trẻ đã hồi phục sức khỏe và được ra viện.
Ngày 14/1/2025 vừa qua, các bác sĩ tại Đơn vị Bỏng - Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận điều trị cho bé trai (12 tuổi, ở Hà Nội) bị bỏng nước sôi độ II và III ở nhiều vùng cơ thể, bao gồm: đầu, cổ, vai, ngực hai bên và cẳng bàn tay phải. Trước đó, vào khoảng 18h cùng ngày, khi trẻ tự tắm bằng vòi hoa sen ở nhà thì không may bị bỏng.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, gia đình đã nhanh chóng đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Tại Khoa Chỉnh hình, các bác sĩ xử lý vết thương và tiến hành chăm sóc, thay băng vết thương hàng ngày cho trẻ. Sau một tuần điều trị, hiện tại bệnh nhi đã ổn định và có thể ra viện trong 1-2 ngày tới.
Phòng tránh tai nạn thương tích trẻ thường gặp dịp Tết Nguyên đán
Cũng theo các bác sĩ, những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bệnh viện Nhi Trung ương thường tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị các tai nạn như: Đuối nước; bỏng nước sôi, bỏng nước lẩu, bỏng cồn nướng; tai nạn giao thông…
![]() |
Trẻ được chăm sóc điều trị vết thương tại Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương |
BSCKII Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Tai nạn đuối nước chỉ là một trong số rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn mà trẻ có thể gặp phải trong dịp Tết. Mỗi năm vào những ngày cận Tết, Khoa Cấp cứu và Chống độc tiếp nhận rất nhiều trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ em. Những tai nạn này có thể là bỏng, gãy xương, vết thương ngoài da, ngộ độc, hóc dị vật…
Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ em chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân. Đặc biệt với những trẻ sống ở các đô thị lớn, khi về quê đón Tết cùng gia đình tại các vùng nông thôn có môi trường mới nhiều điều lạ với trẻ và cũng có nhiều nguy cơ hơn như ao, hồ, cây cối…
Trong khi đó, người lớn vì bận rộn mà lơ là, không giám sát chặt chẽ, khiến trẻ gặp phải nhiều tình huống đáng tiếc gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng.
Để những ngày Tết sum vầy được diễn ra an toàn và trọn vẹn nhất, cha mẹ nên lưu ý đề phòng những tai nạn thường gặp ở trẻ như: đuối nước, điện giật, bỏng, pháo nổ, hóc dị vật, ngộ độc hóa chất, thực phẩm, ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, té ngã, tai nạn giao thông…
Trẻ nhỏ phải luôn trong tầm kiểm soát của người lớn, bởi chỉ một phút giây lơ là có thể gây những hậu quả rất nghiêm trọng như: trẻ bị đuối nước, té ngã, bỏng.
Để phòng tránh tai nạn sinh hoạt, phụ huynh chú ý cần để xa tầm tay trẻ em những vật dụng có thể gây nguy hiểm như dao, kéo, các loại hóa chất dễ bị nhầm lẫn với nước ngọt; không cho trẻ chơi gần các ổ cắm điện, bóng điện; các ổ cắm điện cần phải dùng dụng cụ che chắn kỹ lưỡng.
Đối với những trẻ lớn hơn, cha mẹ nên giáo dục con về các biện pháp phòng ngừa tai nạn thương tích như: Khi điều khiển xe đạp điện, xe máy phân khối nhỏ tham gia giao thông cần đội mũ bảo hiểm và tuân thủ các quy định về an toàn giao thông; tuyệt đối không được chơi pháo nổ vì vừa vi phạm pháp luật, vừa tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Đồng thời, phụ huynh cũng cần trang bị những kỹ năng sơ cứu đúng cách khi trẻ gặp tai nạn trong đời sống.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Sốt cao kéo dài, nam thanh niên suýt tử vong

Thông tin về các trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân tại Nga

Hàng trăm điểm cầu toàn quốc thảo luận về chẩn đoán, điều trị sởi

Chàng trai nặng tới 175kg rơi vào tình trạng ngừng thở khi ngủ

Uống thuốc nam chứa chất cấm, bệnh nhân hôn mê, suy đa tạng

Chủ động phòng chống các dịch bệnh sởi, tay chân miệng... đang gia tăng

Niêm yết công khai 108 thủ tục hành chính

Tỷ lệ hài lòng của người bệnh trong quý I/2025 là 97,21%

Cả nước triển khai tiêm vét vắc xin phòng sởi đầu tháng 4
