Dược phẩm Vimedimex: Dòng tiền kinh doanh âm, nợ phải trả cao gấp 18 lần vốn chủ sở hữu
Nợ phải trả cao gấp 4 lần vốn sở hữu, Xuân Mai Corp đối mặt với hệ lụy gì? Hà Đô Group kinh doanh sụt giảm, nợ phải trả cao gấp 2,5 lần vốn sở hữu |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, trong 6 tháng đầu năm 2021, Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex ghi nhận doanh thu 7.604 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, giá vốn đã chiếm phần lớn nên lợi nhuận gộp thu về chỉ đạt 718,2 tỷ đồng, giảm so với mức 756 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Dược phẩm Vimedimex đạt hơn 19 tỷ đồng tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, so với kế hoạch đề ra, công ty đã hoàn thành 51% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến ngày 30/06/2021, Dược phẩm Vimedimex đang có tổng tài sản 7.098 tỷ đồng, giảm 15% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm tới 3.663 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn 2.714 tỷ đồng, như vậy hai khoản này đã chiếm gần hết cơ cấu tài sản của công ty.
Cùng thời điểm, tổng nợ phải trả của Dược phẩm Vimedimex là 6.723 tỷ đồng, hầu hết là nợ ngắn hạn thanh toán; trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ ở mức 375 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả đã cao gấp 18 lần vốn chủ sở hữu.
Tính đến cuối tháng 6/2021, nợ phải trả của Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex ở mức 6.723 tỷ đồng |
Theo nhìn nhận của các chuyên gia tài chính, việc nợ phải trả cao gấp 18 lần vốn chủ sở hữu có nghĩa nguồn vốn của Dược phẩm Vimedimex hầu như là các khoản nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.
Các chuyên gia cho rằng, nợ và vốn chủ sở hữu là hai nguồn vốn cơ bản để tài trợ vốn cho hoạt động của một doanh nghiệp. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.
Nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên họ có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao.
Mặc dù việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng về lâu dài, doanh nghiệp vay nợ sẽ bị rủi ro về lãi suất, tỷ giá (nếu vay ngoại tệ) và lạm phát.
Về rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo tỷ lệ hợp lý nhất.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chấp nhận sử dụng đòn bẩy cao để đổi lấy mức lợi nhuận không tương xứng trong bối cảnh các ngành nghề kinh doanh khó khăn và ban lãnh đạo chỉ giỏi phân bổ vốn trong rất ít ngành nghề, không lường trước rủi ro sụt giảm.
Biểu đồ khối lượng giao dịch cổ phiếu VMD trong tháng 8/2021. (Nguồn: HOSE) |
Mặt khác, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của Dược phẩm Vimedimex 6 tháng đầu năm 2021 âm 26,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 18,8 tỷ đồng. Tương tự, dòng tiền đầu tư cũng âm 33,8 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm 1,9 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động tài chính cũng âm 73,4 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Nếu dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về.
Theo tìm hiểu, Dược phẩm Vimedimex được thành lập năm 1984 với chức năng là cơ quan thực hiện nhiệm vụ kinh tế đối ngoại đầu tiên của Bộ Y tế, đến năm 2006 thì cổ phần hóa. Cổ phiếu VMD của công ty này bắt đầu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vào ngày 30/9/2010.
Hiện tại, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Dược phẩm Vimedimex là bà Nguyễn Thị Loan, trong khi đó Tổng Giám đốc là bà Trần Mỹ Linh.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VMD hưởng lợi từ thông tin Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ Dược phẩm Vimedimex nhập khẩu vắc xin Covid-19 về Việt Nam nên thị giá cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian qua, với 15 phiên tăng điểm liên tiếp.
Chốt phiên giao dịch ngày 27/8, cổ phiếu VMD ở mức 64.700 đồng/đơn vị, tương đương tăng 210% so với thời điểm đầu năm nay. Qua đó, mức vốn hóa của Dược phẩm Vimedimex đã tăng lên mức hơn 1.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù thị giá cổ phiếu tăng phi mã nhưng khối lượng giao dịch hầu như không đáng kể. Trong tháng 8/2021, chỉ có ngày 19/8 là phiên có lượng giao dịch cao nhất cũng chỉ 288.100 đơn vị, còn lại chỉ chục nghìn và vài nghìn đơn vị, có ngày không có giao dịch nào.
Tháng 9/2019, Cục Thuế TP HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Dược phẩm Vimedimex do hành vi kê sai dẫn đến thiếu tiền thuế phải nộp. Theo đó, căn cứ biên bản thanh tra thuế ngày 10/9/2019, Dược phẩm Vimedimex đã có hành vi kê sai dẫn thiếu tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Do đó, Cục Thuế TP HCM đã quyết định phạt hành chính Dược phẩm Vimedimex gần 165 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty còn phải nộp số tiền thuế giá trị gia tăng truy thu gần 76 triệu đồng, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp truy thu hơn 748 triệu đồng và tiền chậm nộp hơn 13 triệu đồng. Tổng cộng, Dược phẩm Vimedimex bị phạt và truy thu hơn 1 tỷ đồng. |