Đua nhau dạy học ngoại ngữ online mùa dịch
Trẻ học ngoại ngữ trực tuyến mùa dịch Covid-19
Bài liên quan
“Sinh viên 5 tốt" phải đạt tiêu chí bắt buộc về ngoại ngữ
Đại học Sài Gòn được tổ chức thi tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc
TP HCM: Tạm ngưng tất cả hoạt động tập trung học sinh để phòng, chống dịch Covid-19
Trung tâm ngoại ngữ nhanh chóng chuyển sang dạy trực tuyến
Thứ 7 và chủ Nhật tới đây, Bảo Khê (9 tuổi) lại vào Zoom để học ngoại ngữ online. Học sinh này đang theo học tại một trung tâm ngoại ngữ Apax ở Hoàng Mai, Hà Nội.
“Mỗi buổi học của con kéo dài 40 phút, với thầy giáo người bản ngữ và 6 bạn học nữa. Chúng con đều nhìn thấy mặt nhau, được thầy giáo trao đổi và hỏi/đáp. Tuy khác với việc gặp nhau ở lớp nhưng con vẫn rất thích”, Bảo Khê cho hay.
Được biết, từ 25/2/2020, ngay sau khi có thông báo diễn biến phức tạo của dịch bệnh Covid-19, trung tâm ngoại ngữ mà Bảo Khê theo học chuyển sang hình thức học trực tuyến ESL-Live miễn phí cho học sinh trên toàn hệ thống với lớp học không quá 8 người.
Ngoài lớp học miễn phí cho học viên hiện hữu, đơn vị này còn triển khai lớp học miễn phí cho tất cả các trẻ em nhiều độ tuổi toàn quốc trong những ngày nghỉ vì dịch Covid-19.
Ông Chu Hồng Ngọc, Tổng Giám đốc điều hành của Apax Leaders cho biết, sau gần 1 tháng triển khai, hơn 60.000 học sinh theo học trực tuyến ESL-Live.
Việc chuyển đổi từ phương thức học cũ sang học trực tuyến chỉ diễn ra trong một tuần, do trước đó các em đã quen thuộc với nền tảng công nghệ của mô hình học blended learning. Chương trình học được số hóa tích hợp với hệ thống quản lý học tập LMS (hệ thống quản lý học trực tuyến).
Cũng là đơn vị có số lượng học viên khá lớn, mùa dịch Covid-19 này, Trung tâm ngoại ngữ Apollo nhân rộng nền tảng học trực tuyến Apollo e-Interact.
Đây là nền tảng học tập có khả năng tương tác 2 chiều. Lớp học sĩ số ít, đảm bảo tương tác hiệu quả trong quá trình học cho cả thầy trò.
Ông Gary Spinks – Giám đốc đào tạo cấp cao Apollo English cho biết, thay vì ngồi chờ cơn bão dịch bệnh qua đi, đơn vị này chủ động ứng biến để các em không bị gián đoạn học tập.
Trung tâm Anh ngữ ILA giới thiệu hai nền tảng cùng lúc: ILA@Home và ILA@Live.
Hai nền tảng có sự hỗ trợ và bổ sung cho nhau tạo nên “hệ sinh thái học trực tuyến” dành cho học viên.
Trung tâm Ngoại ngữ YOLA cũng chủ động ứng phó tình hình bằng các lớp học trực tuyến.
“Số liệu tại đây cho thấy, hiện có gần 10.000 học sinh đang theo học”, ThS Chung Phạm Ngọc Hiền - Giám đốc học thuật tại Tổ chức giáo dục YOLA cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, để đáp ứng nhu cầu và duy trì việc dạy và học được thông suốt, không bị gián đoạn, hầu hết các trung tâm tiếng Anh có uy tín tại Hà Nội đều phát triển hệ thống học trực tuyến của riêng mình.
Trong khi đó, các đơn vị ngoại ngữ nhỏ hơn cũng nỗ lực kết nối với người học bằng việc tận dụng các ứng dụng trực tuyến có sẵn, tiện dụng và miễn phí như Facebook Messenger, Zoom, Viber...
Không làm trẻ chú ý: Bài học online phá sản
Chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội), chuyên gia hàng đầu về giảng dạy tiếng Anh cho rằng, đợt dịch này đưa đến thách thức cho ngành giáo dục. Việc học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19 phần nào giúp học sinh đỡ quên bài.
Giáo viên dạy ngoại ngữ trực tuyến tại một trung tâm trong mùa dịch Covid-19 ở Hà Nội |
Tuy nhiên, việc học Ngoại ngữ trực tuyến đúng chuẩn (Elearning) thì phải có dạy, có tương tác, có luyện tập của học sinh với giảng viên. Đồng thời quan trọng nhất, máy tính phải có phần mềm theo dõi và đánh giá được người học.
Đánh giá về điều này, TS Bùi Mạnh Hùng, nguyên Điều phối viên chính Ban phát triển chương trình GDPT mới, (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, việc học ngoại ngữ online tốt hay không, có đáp ứng mục tiêu dạy học hay không, phụ thuộc vào cách thức triển khai.
Nếu số lượng học sinh ít, khả năng tương tác cao thì có tác dụng nhưng nếu chỉ dạy một chiều thì không hiệu quả.
“Các trung tâm lớn, đường truyền tốt, số lượng học sinh vừa phải và có tương tác, tôi nghĩ việc học online Tiếng Anh cũng như các ngôn ngữ nói chung sẽ hiệu quả hơn”, TS Bùi Mạnh Hùng cho hay.
Trên quan điểm đánh giá cao lợi ích của học trực tuyến, bà Nguyễn Hồ Thụy Anh (Giảng viên Trường Phát triển Tài năng và Tính cách John Robert Powers, chuyên viên Ngoại ngữ, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh) cho biết, nếu thực hiện đúng, đủ trong học trực tuyến, trước hết phải xây dựng cho trẻ kĩ năng tự học. Thứ hai, hình thành tinh thần kỉ luật hay nói cách khác là duy trì nề nếp tự học trực tuyến ở nhà. Thứ ba, trẻ cần tập kĩ năng thích nghi, xây dựng thời khoá biểu học online như học ở trường, không có tư tưởng học qua loa.
“Khi đủ 3 yếu tố này, trẻ có thể bắt đầu học trực tuyến hiệu quả hơn. Đây là dịp tốt để bố mẹ từng bước xây dựng kỹ năng tự học tiếng Anh cho con”, bà Thuỵ Anh nhấn mạnh.
Về bài học, theo bà Thuỵ Anh, cần thiết kế thời gian phù hợp với từng độ tuổi. Riêng với trẻ tiểu học trở xuống, độ tuổi này các em chỉ cần 30% bài học online và 70% học trực tiếp là phù hợp.
Do vậy, mỗi ngày bố mẹ chỉ cần cho các con tiểu học khoảng 30 phút học online, bằng các hình thức hấp dẫn là đủ.
Một điều rất quan trọng, bố mẹ phải chặn tường lửa để trẻ không tự vào các trang web trên mạng.
Với các đơn vị giảng online, cần tránh tình trạng bắt người học phải tải về máy bất cứ thứ gì bởi từ việc này, các em có thể dẫn sang các trang web không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, bà Thuỵ Anh cho biết thêm: “Để việc học hiệu quả, thái độ của bố mẹ rất quan trọng. Bố mẹ cần chuẩn bị cho con tâm thế trước giờ học, một góc học tập yên tĩnh không quá nhiều hình ảnh có thể gây phân tán, tắt hết các thiết bị tạo tiếng ồn.
Bé cần hiểu học online là sẽ gặp thầy cô và bạn bè trong tình huống mới, không giống như trên lớp”.