“Đốt tiền” cho con đi học thêm – lợi bất cập hại
Ép con đi học thêm quá đà có thể là nguyên nhân tạo ra những đứa trẻ thụ động, ỷ lại
Bài liên quan
TP HCM ngưng cấp phép dạy thêm, học thêm
Bộ GD – ĐT sẽ đồng loạt thanh tra các vấn đề “nóng” ngành giáo dục năm học 2019 - 2020
Hà Nội cấm dạy thêm cho học sinh lớp 6, lớp 10 trước khai giảng
Sinh viên hưởng lợi từ học cao đẳng chuyển tiếp lên trình độ đại học
Bác sĩ trẻ cống hiến hết mình vì những bệnh nhân mang nhiều khiếm khuyết
Không chỉ tốn kém thời gian, tiền bạc, việc nhồi nhét kiến thức vô tình trở nên phản tác dụng.
Tất bật với lịch học thêm
Tan ca làm lúc 5h chiều, chị Nguyễn Thị Thu Minh (Hà Đông, Hà Nội) tất bật về nhà. 2 con chị - 1 lớp 5, 1 lớp 3 đang vội vàng ăn tạm chiếc bánh mỳ trong lúc chờ mẹ. Thúc các con ăn xong, chị xăm xắn chở đứa lớn đến lớp học thêm Văn, chở đứa bé đến lớp học thêm Tiếng Anh. Chỉ nghe chị kể về lịch học của con cũng đủ để “hoa mắt chóng mặt”. “Đứa lớn em cho học thêm tuần 3 buổi nhà cô, 2 buổi Tiếng Anh. Đứa bé tuần học 1 buổi tiếng Anh, 2 buổi Văn, 2 buổi Toán. Không học thì không biết gì cả chị ạ. Con nhà ai cũng đi học, lên lớp chỉ nghe cô giảng nó không thể nào nắm hết kiến thức”, chị Minh nói.
Với suy nghĩ ấy, áp lịch học vào các con, tuần nào mẹ con chị cũng như những con thoi di chuyển hết từ lớp học thêm này đến lớp học thêm khác. Tính sơ sơ, chi phí học thêm của 2 con chị lên đến hơn 7 triệu đồng/tháng. Chẳng biết tác dụng của lớp học thêm “thần thánh” như thế nào nhưng nhìn chị lúc nào mặt mũi cũng bơ phờ, 2 đứa trẻ quần áo xộc xệch, mặt mũi ngơ ngác vì học quá mệt.
Cùng tâm lý như chị Minh, chị Trần Thị Thanh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng không định cho con đi học thêm. Tuy nhiên, đi học được nửa năm đầu, cháu học chậm hơn các bạn, lại thường xuyên bị cô giáo phê bình vì viết xấu và làm tính chậm. Không ít lần cô gọi điện về phàn nàn với gia đình. Thấy tình hình vậy, từ học kỳ 2 tôi bắt đầu cho con đi học thêm, vì ở nhà bố mẹ cũng không biết kèm ra sao. Hơn nữa ở lớp cháu nào cũng đi học thêm nhà cô”.
Học thêm làm mất đi tuổi thơ của con trẻ |
“Bội thực” sẽ phản tác dụng
Không chung quan điểm với chị Minh và chị Thanh, chị Trần Thị Thu Phương (Hà Đông, Hà Nội) kịch liệt phản đối việc bố mẹ ép con đi học thêm một cách thái quá. Chị Phương chia sẻ: “Tôi cũng có 2 con, một cháu học lớp 5, một cháu học lớp 3 nhưng chưa bao giờ tôi có ý định cho con đi học thêm đến thời điểm này. Chương trình tiểu học không quá khó để con cần phải học thêm mới nắm vững được kiến thức. Chỉ cần học trên trường, tối về nhà ôn lại bài là đủ”.
Chị Phương cũng cho rằng, việc hô hào, bắt trẻ đi học thêm chủ yếu xuất phát từ sự suy nghĩ của cha mẹ. “Bố mẹ kỳ vọng vào con quá lớn, đặt ra những mục tiêu quá cao mà không nhìn nhận đến nhu cầu của con vô tình tạo thêm gánh nặng cho lũ trẻ. Chúng ta cứ hô hào giảm tải chương trình học nhưng thúc ép con đi học thêm để làm gì? Tôi nghĩ, các con cần phải được phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần mới tiếp thu được kiến thức”.
Vấn đề học thêm, dạy thêm đến nay vẫn là câu chuyện tranh cãi không có hồi kết giữa các phụ huynh. Nhiều người cho rằng, thời gian học trên lớp là không đủ để con lĩnh hội hết kiến thức, thêm nữa cô giáo cũng không thể quan tâm đầy đủ đến từng em.
Tuy nhiên, cũng nhiều người cho rằng việc học thêm là không cần thiết, đặc biệt là với trẻ tiểu học. Bởi chương trình học trên lớp đã được thiết kế đủ và phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh. Nhồi nhét quá chỉ khiến con mệt mỏi và chán học.
Theo các chuyên gia, bậc tiểu học là giai đoạn trẻ bắt đầu làm quen với trường học, bạn bè. Nội dung kiến thức ở bậc tiểu học khá đơn giản và không có gì quá phức tạp. Bố mẹ chỉ cần đầu tư một chút thời gian là có thể hướng dẫn giúp con học tập tại nhà mà không cần phải đi học thêm.
Với chương trình học hiện nay ở phần lớn trường tiểu học, các em đã dành tới 8 tiếng mỗi ngày để học tập trên trường, khi về nhà lại tiếp tục đi học thêm sẽ thực sự là quá tải. Chúng ta vẫn hàng ngày kêu gọi cải cách giáo dục, giảm tải chương trình học. Nhưng chính phụ huynh lại là những người làm tăng gánh nặng học tập lên con em mình bằng những buổi học thêm, học phụ đạo. Không chỉ học thêm với thầy cô, nhiều gia đình có điều kiện còn thuê gia sư về phụ đạo thêm cho con hàng ngày.
Cô Triệu Thị Hòa (giáo viên dạy Văn ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: “Việc cho trẻ đi học thêm quá sớm dễ khiến các em ỷ lại, lười suy nghĩ mà trông chờ vào việc kèm cặp, ôn luyện của giáo viên, gia sư... Bên cạnh đó, học sinh tiểu học đang trong độ tuổi phát triển cả về trí tuệ và thể chất, khả năng tập trung còn thấp, mặc dù hoạt động chủ đạo đã chuyển từ vui chơi sang học tập, song chủ yếu vẫn là hình thức vừa học vừa chơi”.
Việc ép con học quá nhiều sẽ khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi quá mức, gây ức chế tinh thần, trẻ sợ học và càng lười học hơn. Khi bị ép buộc, trẻ học một cách máy móc và thụ động. Vì không có niềm yêu thích và say mê nên các em tư duy một cách chống đối, coi việc học như một nhiệm vụ khó khăn. Chính điều đó làm hạn chế khả năng sáng tạo và phát triển tư duy ở trẻ.
Vì vậy, lời khuyên cho các bậc phụ huynh là hãy ngừng tâm lý sợ con không bằng bạn bằng bè rồi cố ép bé đi học thêm. Việc học thêm chưa biết có mang lại lợi ích thực sự hay không, chỉ biết rằng có những đứa trẻ chỉ nghe thấy chữ “học” thôi đã thấy sợ hãi và run rẩy.