Đổi mới và hợp tác thúc đẩy tiến trình chấm dứt bệnh lao ở Châu Á - Thái Bình Dương
Với chủ đề 'Chung tay chống lại bệnh lao', diễn đàn trực tuyến diễn ra trong hai ngày với sự tham gia của gần 500 người bao gồm các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, các tổ chức phi chính phủ và nhiều y, bác sĩ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Các diễn giả đến từ Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã cùng nhau chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn, các bài học cũng như thách thức, đề xuất với mong muốn chung là đạt được Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc về chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Lĩnh vực thảo luận chính xoay quanh phương pháp cải thiện khả năng phát hiện ca bệnh, vốn được xem là một trong những rào cản lớn nhất trong cuộc chiến chống lại bệnh lao.
Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ước tính có khoảng 6,1 triệu người mắc lao trong năm 2020, nhưng thực tế chỉ phát hiện được 3,9 triệu trường hợp.
Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á là nơi chịu gánh nặng cao nhất về bệnh lao với số ca mắc mới được báo cáo rơi vào khoảng (43%) trong năm 2020. Trong 10 người mắc bệnh lao thì có tới 4 người chưa được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tình trạng này đã trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch COVID-19.
Điều này đã làm cho số lượng người được chẩn đoán và điều trị giảm về mức của năm 2008 ở những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh và tiếp tục đe dọa tiến độ chấm dứt bệnh lao.
Bà Ana-Maria Ionescu, Giám đốc mảng bệnh lao toàn cầu, Sức khỏe Cộng đồng của Johnson & Johnson phát biểu: "Diễn đàn là minh chứng cho quyết tâm, sự tập trung và nỗ lực đổi mới của cộng đồng chống lao và các Chương trình Chống lao Quốc gia ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Chương trình có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì cứu sống bệnh nhân, tiếp tục thực hiện các dịch vụ thiết yếu cho rất nhiều bệnh nhân đang phải sống chung với lao, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực nhất từ đại dịch COVID-19.
Johnson & Johnson cam kết sâu sắc sẽ tích cực đổi mới tại từng quốc gia, khu vực và toàn cầu để phát hiện hàng triệu người mắc lao mà chưa được chẩn đoán, bằng cách này sẽ góp phần hướng tới mục tiêu chung của chúng ta - đẩy lùi bệnh lao vào dĩ vãng”.
Thực hiện phương pháp tiếp cận theo lộ trình cho các chiến lược phát hiện bệnh nhân trong tương lai, các cuộc thảo luận xoay quanh việc tận dụng tư duy sáng tạo, công nghệ và phối hợp công tư nhằm đẩy mạnh công tác triển khai.
Cải thiện tỷ lệ phát hiện bệnh nhân mắc lao vẫn là ưu tiên hàng đầu, trong đó cần tăng cường tìm kiếm ca bệnh ở cả trong và ngoài các cơ sở y tế; Các bên có thể học hỏi và phát huy bài học kinh nghiệm từ nỗ lực giải quyết các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu khác (như COVID-19 và HIV) để tăng cường năng lực ứng phó với bệnh lao; Các cơ hội cần tiếp tục được xác định để bổ sung hoặc thậm chí kết hợp với các nỗ lực COVID-19, chẳng hạn như tiến hành xét nghiệm đồng thời cho cả COVID-19 và bệnh lao.
Công nghệ mới có thể giúp hỗ trợ và giải quyết từng vấn đề gặp phải trong toàn bộ hành trình của bệnh nhân lao - từ việc tận dụng phân tích dữ liệu và thông qua máy móc để cải thiện tỷ lệ phát hiện bệnh lao, đến tận dụng công nghệ chụp X-quang hiện đại nhất và chẩn đoán phân tử mới nhất nhằm tăng cường chẩn đoán bệnh lao sớm, giúp đảm bảo điều trị kịp thời cho bệnh nhân nhằm đạt hiệu quả tối ưu.
Khám bệnh từ xa và công nghệ số hóa cũng sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác kiểm soát và phòng ngừa bệnh lao.
Tạo dựng hợp tác chiến lược giữa các khối chăm sóc y tế công và tư nhân, vận động thêm nhiều bên liên quan (như chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức xã hội và dân sự) tham gia vào phong trào chống lao là chìa khóa hỗ trợ chấm dứt bệnh lao. Nỗ lực hợp tác đổi mới cần vươn ra khỏi phạm vi ngành công nghiệp dược nhằm định vị các nhu cầu của bệnh nhân hiệu quả hơn.
Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương và Chủ nhiệm Chương trình chống Lao quốc gia Việt Nam cho biết: “Gánh nặng về bệnh lao của Việt Nam vẫn ở mức cao. Tỷ lệ bao phủ điều trị mới đạt 58% trong năm 2020 do các rào cản như nhiều người mắc lao chưa được chẩn đoán và phòng chống lao vẫn chưa đầy đủ.
Chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác từ Công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu như Johnson & Johnson cùng với chính quyền địa phương, các cơ quan và tổ chức xã hội để đẩy nhanh tiến độ chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau”.
Diễn đàn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch vận động thanh niên chấm dứt bệnh lao. Thanh niên trong độ tuổi từ 15-34 phải chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ bệnh lao hơn. Johnson & Johnson hiểu được rằng bước quan trọng đầu tiên là tạo điều kiện để họ tham gia có ý nghĩa vào các nỗ lực chống lao quốc gia và sẽ tìm tòi thêm nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy thanh niên trở thành tác nhân thay đổi trong khu vực.
Bà Jacki Hatfield, Giám đốc Đối tác Chiến lược Toàn cầu Bệnh lao, Johnson & Johnson chia sẻ: "Để đảm bảo không có người trẻ nào bị bỏ lại phía sau, chúng ta cần nhìn nhận thanh niên là tác nhân thay đổi có năng lực giải quyết các vấn đề liên quan trong quá trình chấm dứt bệnh lao, chẳng hạn như khoảng cách trong nhận thức và khả năng tiếp cận, hay cách đối mặt với kỳ thị và phân biệt đối xử.
Dựa trên những công việc đang diễn ra, chúng tôi mong muốn thúc đẩy sự tương tác với thanh niên và đề cao hơn nữa tiếng nói của họ để chấm dứt bệnh lao".
Thông qua việc chia sẻ, diễn đàn cũng nêu lên tầm quan trọng của phối hợp công - tư để chấm dứt bệnh lao. Cần có những bước đi mới, táo bạo và sáng tạo để phá vỡ quỹ đạo của căn bệnh này, và những sự hợp tác như vậy cho phép sự nhạy bén, chuyên nghiệp, và tiếp cận rộng rãi mà từ đó khối tư nhân có thể bổ sung cho nỗ lực của chính phủ và tạo ra những động lực cho phong trào chống lao.
Johnson & Johnson là đối tác cam kết trong cuộc chiến toàn cầu chống lại bệnh lao hơn hai thập kỷ qua. Sáng kiến toàn diện trong 10 năm nhằm mục đích cải thiện sự phát hiện các ca bệnh lao chưa được chẩn đoán trên toàn cầu, mở rộng tiếp cận điều trị và tăng tốc nghiên cứu và phát triển các công cụ mới cần thiết để chấm dứt bệnh lao. Là một phần của cam kết này, Johnson & Johnson tích cực hợp tác với các đối tác khu vực và toàn cầu để giải quyết toàn diện các thách thức của bệnh lao. |