Điểm chuẩn đại học tăng vọt, thí sinh cần lưu ý gì khi xét tuyển bổ sung?
Các trường đại học công bố điểm chuẩn chính thức năm 2020 |
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2020 |
Vì sao điểm chuẩn năm 2020 tăng cao?
Dịch bệnh Covid-19 khiến học sinh cả nước phải nghỉ học nhiều tháng trời. Cũng vì vậy, mục đích chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có sự thay đổi. Đề thi được đánh giá là “vừa sức” khiến “cơn mưa” điểm cao xuất hiện. Đó cũng là lý do khiến điểm chuẩn nhiều trường đại học năm 2020 tăng cao. Có thể kể đến điểm chuẩn Đại học Thương mại năm nay dao động ở mức từ 24 đến trên 26 điểm, trong khi đó, năm 2019 ở mức từ 22-24 điểm. Hầu hết các ngành đều tăng, có ngành tăng đến gần 3 điểm.
Ở nhóm ngành Công nghệ thông tin của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn cũng xấp xỉ chạm trần với 29,04 điểm, tăng hơn 2 điểm so với năm 2019.
Đặc biệt, ngành Hàn Quốc học – trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), điểm chuẩn đạt mức tối đa 30/30 điểm.
Như vậy, tính trung bình cả điểm cộng ưu tiên, thí sinh phải đạt mỗi môn 10 điểm mới trúng tuyển.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, ngành Đông phương học năm 2019 lấy 29,75 điểm khối C00. Năm 2020, ngành Hàn Quốc học được tách ra từ ngành Đông phương học, có điểm chuẩn 30/30 điểm. Số lượng chỉ tiêu vào ngành này không cao, chỉ với 50 em, trong đó đã có 30 chỉ tiêu tuyển thẳng, 20 chỉ tiêu còn lại dành cho xét dựa theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, mức điểm được đẩy lên cao “kỷ lục”.
Hay tại trường Đại học Ngoại thương, điểm chuẩn nhóm ngành Kinh tế - Kinh tế quốc tế là 28 điểm; Điểm chuẩn nhóm ngành Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế là 27,95. Đặc biệt, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại có điểm chuẩn 28,6 đối với khối A00 học ở Hà Nội và 28,3 học ở TP.HCM.
Năm 2020, điểm chuẩn Học viện Báo chí và Tuyên truyền với các chuyên ngành báo in, báo truyền hình, báo ảnh, báo mạng đều rất cao.
Với cách tính điểm = [Điểm môn chính x 2 + Điểm môn 2 + Điểm môn 3] + Điểm ưu tiên khu vực/đối tượng x 4/3 (làm tròn đến 2 chữ số thập phân), điểm chuẩn chuyên ngành báo truyền hình theo tổ hợp môn Ngữ văn, Năng khiếu báo chí, Khoa học xã hội có điểm chuẩn 34,25 điểm.
Cánh cửa chưa đóng lại, thí sinh cần lưu ý gì?
Dù nhiều trường có điểm chuẩn cao “chót vót” nhưng theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, vẫn có hơn 46% đơn vị chưa tuyển đủ chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Ngoài ra, khá nhiều trường, ngành xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác cũng chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Như vậy, cơ hội vẫn còn rất nhiều với các thí sinh đạt điểm cao nhưng chưa trúng tuyển nguyện vọng 1.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, bắt đầu từ ngày 6/10, thí sinh trúng tuyển đợt một vào các trường đại học sẽ phải làm thủ tục xác nhận nhập học vào các trường đại học đã trúng tuyển. Thời gian xác nhận nhập học đến trước 17 giờ ngày 10/10, tính theo dấu bưu điện.
Bắt đầu từ ngày 10/10, các trường thiếu chỉ tiêu sẽ thông báo xét tuyển bổ sung đợt 2. Đây là cơ hội cho những bạn học sinh không may mắn trượt trong đợt xét tuyển lần 1. Tuy nhiên vẫn có những điều cần lưu ý để đảm bảo kết quả trong lần xét tuyển đại học đợt 2 sắp tới.
Theo PGS. TS Phạm Minh Sơn, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, học sinh nên chọn những ngành phù hợp với khả năng, điểm số và tìm những ngành học vừa sức của mình. "Tuy nhiên, các em cũng không nên nghĩ mình phải vào đại học bằng mọi giá, nếu năm nay chưa thành công, các bạn vẫn còn nhiều con đường khác nhau để học ngành yêu thích", PGS. TS Phạm Minh Sơn nói.
Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường nói chung, đặc biệt là các trường thuộc tốp đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì nên tuyển bổ sung các đợt sau. Việc làm này tạo điều kiện cho các em thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT tốt nhưng chưa đỗ theo kết quả xét tuyển đợt 1.
Việc xét tuyển đợt tiếp theo có thể được các trường thực hiện một lần hay nhiều lần căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học tại trường sau xét tuyển đợt 1 (kể cả số thí sinh được xét tuyển thẳng và số học sinh dự bị của trường; học sinh các trường dự bị đại học được giao về trường). Tuy nhiên, điểm nhận hồ sơ xét tuyển các đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.