Đề xuất giảm tốc độ trong khu đông dân cư từ 50 km/h xuống 30 km/h
Tại hội thảo trực tuyến quản lý các yếu tố có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức vào ngày 27/7/2021, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có giải pháp quản lý chặt tốc độ phương tiện, bao gồm việc có thể giảm tốc độ tối đa trong khu đông dân cư từ 50 km/h hiện nay xuống 30 km/h.
GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho hay, TNGT đường bộ đang chiếm tỷ lệ hơn 90%, với nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người. Trong đó, vi phạm tốc độ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT.
Theo GS Sỹ Sùa: "Nếu tăng tốc độ trung bình 1 km/h có thể dẫn đến gia tăng 4-5% số vụ TNGT. Ngược lại nếu giảm 5% tốc độ bình quân, có thể giảm đến 30% số vụ TNGT nghiêm trọng.Tốc độ bình quân 80 km/h, khả năng gây ra TNGT cao hơn nhiều so với tốc độ 50 km/h".
Tại Việt Nam, tỷ lệ dân số sống ở đô thị chiếm hơn 37% nhưng TNGT trong đô thị lại chiếm tỷ lệ lớn hơn so với nông thôn. Nguyên nhân là vì việc quản lý tốc độ phương tiện trong khu đô thị tại nước ta vẫn chưa được thực hiện bài bả và tốc độ giới hạn tại các khu đô thị còn cao, thường là 60 km/h.
Ngoài ra, chính quyền đô thị chưa có khả năng áp dụng mức giới hạn tốc độ thấp hơn theo quy định của Luật GTĐB nên không có tốc độ đặc thù các khu vực “nhạy cảm” như trường học, khu đông dân cư.
GS Sùa cho biết nếu giảm tốc độ cho phép của phương tiện cơ giới xuống 30 km/h tại các tuyến đường đông dân cư, trường học, khu vực có nhiều người đi bộ, thì sẽ giảm được 26% chấn thương do TNGT. Bên cạnh đó, cần có sự phân biệt tốc độ giới hạn giữa các loại xe và hạn chế phương tiện có sức chứa lớn đi vào khu đông dân cư.
Trên thế giới thiệu nay, các quốc gia phát triển có xu hướng giảm tốc độ tối đa trong khu đô thị xuống còn 30 km/h để đảm bảo an toàn hơn cho người dân. Ví dụ như Na Uy, vào năm 2019, Thủ đô Oslo của Na Uy chỉ có duy nhất 1 người thiệt mạng do TNGT, không có trẻ em nào thiệt mạng do TNGT, thật đáng ngưỡng mộ.