Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao giải và phần thưởng cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân có giải pháp chuyển đổi số xuất sắc (Ảnh: VGP) |
3 trụ cột chính thực hiện chuyển đổi số quốc gia
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ TT&TT đã xây dựng, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia gồm 3 trụ cột chính: Chính phủ số; Kinh tế số và Xã hội số. Chương trình là nền tảng và cơ sở để thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
Theo đó, môi trường pháp lý cho Chính phủ điện tử cơ bản được hình thành, đặc biệt là việc ban hành các Nghị định của Chính phủ trong khoảng 3 năm trở lại đây (Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020 về công tác văn thư; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng...
Để tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy triển khai chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban.
Bên cạnh đó, nhằm giúp hoàn thiện các nội dung triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT tiếp tục tham mưu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 phê duyệt đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia (Ảnh: VGP) |
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký Tờ trình số 363/TTr-CP ngày 3/10/2022 trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Dự kiến dự thảo Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số, các giao dịch được thực hiện thuận lợi, an toàn từ xa.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng phối hợp, đóng góp nhiều ý kiến chuyên môn trọng tâm, trọng điểm để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực khác. Cụ thể là: Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2022; Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021.
Như vậy có thể thấy về cơ bản, các văn bản chỉ đạo điều hành về chuyển đổi số đến thời điểm hiện tại đã tương đối đầy đủ, bao trùm các nội dung của chuyển đổi số.
Đẩy mạnh chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến nay, 100% bộ, ngành đã ban hành nghị quyết, chương trình hoặc kế hoạch, đề án hành động về chuyển đổi số thuộc lĩnh vực quản lý; 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành nghị quyết chuyên đề của Tỉnh, Thành ủy về chuyển đổi số, đưa nội dung chuyển đổi số vào Nghị quyết của Tỉnh, Thành ủy. 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số.
Tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. |
Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã chủ động hỗ trợ trực tiếp các địa phương để cung cấp và phát triển dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 67,8%, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021; Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 43,2%, tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, hiện tại, Việt Nam xếp hạng 76/193 quốc gia trên thế giới về chỉ số Dịch vụ trực tuyến (OSI - Online Service Index). Chỉ số này đã tăng 5 bậc so với năm 2020.
Trước đó, ngày 11/2/2022, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 186/QĐ-BTTTT phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Việc phát triển các nền tảng số được coi là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đến nay, đã có hơn 50 nền tảng công nghệ số được ra mắt phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột trên.
Cùng với đó, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao do Văn phòng Chính phủ triển khai đang được khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu. Ngoài ra, 45 bộ, cơ quan, địa phương đã xây dựng và đưa vào vận hành phân hệ theo dõi nhiệm vụ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.
Hệ thống báo cáo điện tử cũng được nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai và đưa vào vận hành để hình thành nguồn thông tin, dữ liệu số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Đến nay, 69/179 chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG), cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 15 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và 63 địa phương để cung cấp thông tin, dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực với 210 chỉ tiêu thông tin trực tuyến. Trung tâm đã từng bước hình thành 4 bộ chỉ số điều hành; thống kê; theo dõi, giám sát; kinh tế - xã hội địa phương (với tần suất dữ liệu theo ngày, hàng tháng, quý và năm, giai đoạn 2010 - 2022).
Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, mạng đã kết nối đến 100% huyện, gần 98,6% xã trên toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) ngày 19/9 |
Trong năm 2022, Bộ TT&TT đã tổ chức bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 117.158 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, 42.646 lượt cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ. Theo thống kê, đến nay đã có khoảng 10 triệu lượt truy cập để học tập trên nền tảng.
Ngoài ra, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã được đẩy mạnh triển khai và phát huy hiệu quả. Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư được đưa vào khai thác chính thức. Hạ tầng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia từng bước được hoàn thành, phát huy hiệu quả. Hiện đã có hơn 90 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, qua đó người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả hơn.