Danh nhân Nguyễn Ý - vị tiến sỹ đầu tiên được khắc tên trên bia đá Văn miếu Huế
Ông Đặng Việt Bách đón nhận danh hiệu Tiến sỹ danh dự của Viện Đại học Kỷ lục Thế giới |
Danh nhân trên đất học
Danh nhân Nguyễn Ý (sinh năm 1796, năm mất không rõ) là nhân vật tiêu biểu cho truyền thống hiếu học và khoa bảng tại Thường Tín. Ông sinh ra tại thôn Thị (xã Vân La, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng), nay là thôn Vân La (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội).
Tượng Tiến sĩ Nguyễn Ý - tại Văn Từ Thượng Phúc huyện Thường Tín |
Năm Minh Mạng thứ hai (tháng 9/1821), ông đỗ Cử nhân trong kỳ thi Hương. Tháng 3/1822, ông tiếp tục đỗ khoa thi Hội. Năm Minh Mạng thứ ba, tháng 4/1822, ông đỗ đầu khoa thi Đình do nhà vua trực tiếp ra đề và chấm thi tại điện Cần chính được ban Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân.
Theo các sử gia, kỳ thi Đình của Triều Nguyễn không chia thứ bậc, chỉ xếp theo thứ tự, ai đỗ cao hơn được xếp trên. Trên tấm bia đầu tiên thuộc hàng đầu trong Văn Miếu Huế có khắc tên 7 vị tiến sĩ đỗ kỳ thi Đình năm 1822, tên của Tiến sĩ Nguyễn Ý được khắc ở trên cùng.
Một số đại diện chi hội Người cao tuổi thôn Vân La từng lặn lội vào kinh thành Huế tìm hiểu về cuộc đời Nguyễn Ý cho biết: Cụ Nguyễn Ý làm quan đến chức Biên tu, phụ trách Hàn lâm viện, ghi chép, biên tập, xuất bản văn thơ, lịch sử... Sau 3 năm nhận chức vụ này, cụ mất do bệnh. Đến nay, chưa rõ cụ mất chính xác năm nào. Sau khi cụ mất, đại thần Phan Thanh Giản tiếp quản công việc của cụ, chứng tỏ đây là một chức vụ rất quan trọng trong triều đình Huế.
Các học sinh đến tham quan Văn Từ Thượng Phúc |
Tư tưởng tiến bộ vượt thời đại
Đánh giá về Tiến sỹ Nguyễn Ý, nhiều nhà sử học nhất trí rằng ông là một người học rộng, tài cao, một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, là một nhân cách lớn của dân tộc, ông được xem là người có quan điểm tiến bộ, tư tưởng vượt thời gian về công tác giáo dục đào tạo và trọng dụng nhân tài.
Trong bài văn sách thi của mình, khi bàn về đạo trị nước, Tiến sĩ Nguyễn Ý cho rằng: “Trị dân không gì trước hơn việc dạy học, Trị nước không gì quan trọng hơn nhân tài, tìm khắp hỏi rộng, thu nhận rộng, bồi dưỡng khắp, làm thế nào để có thể khiến cho chia mưu, chung nghĩ, sáng rõ công việc để đưa đến hiệu quả vô vi”.
Tiến sĩ Nguyễn Ý cũng đã đưa ra ý tưởng của mình để xây dựng đội ngũ hiền tài cho xã hội, theo ông cần phải đào tạo từng bước để đào tạo nên đội ngũ hiền tài cho đất nước sử dụng.“Ngày dầm tháng thấm, phả vào mắt, rót vào tai, có thể đạt hiệu quả “sau một đời sẽ có nhân”. Cho rằng, trị nước không gì quan trọng bằng nhân tài, mừng thánh triều để thực sự được người, nhưng mong chia mưu cùng lo, làm sáng tỏ công việc, ắt giữ chức đều là quân tử”.
Nhà bia Tiến sĩ Nguyễn Ý - tại quê hương Vân La, Hồng Vân |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ý thì hiền tài quả thực như những vật báu trên đời. Theo ông nhân tài “như châu ở biển, ngọc trong núi tìm rất khó khăn, bồi dưỡng hết mức mới thu vét được ẩn sót. Vì thế cổ nhân mới có nỗi lo thiếu nhân tài vậy. Vâng điều thánh thu vét hiền tài, chọn lựa thu khắp, không để sót cỏ chỉ ở khi, hoa lan trong núi. Đường cầu hiền đã rộng, những các sĩ tỏ rõ ở đức thường tự sẽ thu hút vào triều đình “người chín đức đều được làm việc”. Với người xưa thì khó ở được người, mà ngày nay được khắp thì lại không khó vậy”.
Như vậy, qua bài văn sách của Tiến sĩ Nguyễn Ý cho thấy được tính thực tiễn của nội dung, có thể coi là những “bản tấu” lên triều đình về đường lối trị nước. Những vấn đề như chính sách trọng dụng hiền tài... đối với chúng ta hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.
Với những tài trí và sự cống hiến của to lớn của ông, Tiến sĩ Nguyễn Ý được tôn thờ tại Văn Từ Thượng Phúc do UBND huyện Thường Tín xây dựng nhằm phát huy giá trị tuyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học của huyện Thượng Phúc xưa, huyện Thường Tín ngày nay, khôi phục lại trung tâm thờ tự và tôn vinh các bậc hiền tài, các nhà khoa bảng đại khoa, các nhà tri thức khoa cử của huyện Thường Tín. Ngày 20/11 tới đây, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) cũng sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm ngày Tiến sỹ Nguyễn Ý đỗ năm Minh Mạng thứ 3 (1822-2022). |