Đại học Kinh tế Quốc dân: Tăng 10% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho học sinh có chứng chỉ IELTS
Hà Nội không thay đổi phương án thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập Chi tiết 5 phương thức tuyển sinh của trường Đại học Thủ đô Hà Nội |
Đó là thông tin được TS. Lê Việt Thủy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin, thành viên Ban tư vấn tuyển sinh hệ đại học chính quy của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra trong chương trình Tư vấn tuyển sinh do Hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp cùng Nhà trường tổ chức.
Những điểm mới trong đề án tuyển sinh
Theo đó, 3 điểm mới chủ yếu trong đề án tuyển sinh của trường Đại học Kinh tế Quốc dân được thầy Lê Việt Thuỷ nêu trong buổi tư vấn tuyển sinh như sau:
Thứ nhất, về chỉ tiêu, mùa tuyển sinh năm 2021, nhà trường tăng thêm 150 chỉ tiêu.
Thứ hai, về ngành, hiện nhà trường có 54 mã ngành, mã tuyển sinh để học sinh đăng ký, nhiều hơn năm ngoái 1 mã ngành, đó là ngành Kinh doanh nông nghiệp. Ngoài ra, nhà trường còn đào tạo thêm 2 mã chương trình nữa là chương trình Thẩm định giá và chương trình Quản lý thị trường, đào tạo theo định hướng ứng dụng (POHE).
Thứ ba, nhà trường đổi mới trong việc xét tuyển kết hợp. Năm nay, tổng chỉ tiêu xét tuyển của phương thức xét tuyển kết hợp dành cho đối tượng học sinh chuyên, học sinh có chứng chỉ IELTS… tăng thêm khoảng 10%, tối đa là 50%. Như vậy, tổng số chỉ tiêu dành cho các thí sinh xét tuyển bằng kết quả kì thi THPT còn khoảng 50%.
Năm phương thức xét tuyển kết hợp
Chia sẻ trong chương trình tư vấn, thầy Lê Việt Thuỷ cho biết, nhà trường có 3 phương thức xét tuyển chính đó là: xét tuyển bằng kết quả kì thi THPT quốc gia, xét tuyển kết hợp giữa một số chứng chỉ quốc tế hoặc một số tiêu chí khác cùng với điểm THPTQG, xét tuyển thẳng với những học sinh có giải quốc gia hoặc tham gia đội tuyển thi quốc tế.
Riêng hình thức xét tuyển kết hợp, năm 2021 nhà trường chia làm 5 phương thức nhỏ.
Phương thức thứ nhất dành cho thí sinh sử dụng điểm SAT hoặc ACT. Đây là 2 tiêu chuẩn được nhiều trường ở Mỹ cũng như trên thế giới sử dụng để tuyến sinh vào đại học. “Đối với những bạn có điểm SAT từ 1200 trở lên thì các bạn được xét tuyển vào đối tượng thứ nhất, trên cơ sở là quy đổi từ 1200 chia cho tổng điểm tối đa của SAT là 1600 để xem mức điểm bao nhiêu và các bạn sẽ so sánh với nhau”, thầy Thuỷ chia sẻ.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức chương trình Tư vấn tuyển sinh |
Phương thức thứ hai dành cho học sinh đã từng đi thi chương trình Đường lên đỉnh Olympia của Đài Truyền hình Việt Nam. Học sinh đã tham dự thi vòng thi tuần trở lên kết hợp với điều kiện có tổ hợp thi vào trường đạt ngưỡng xét tuyển đầu vào tối thiểu là 18 điểm có thể được xét tuyển phương thức này.
Phương thức thứ ba dành cho các bạn có chứng chỉ IELTS hoặc tương đương từ 5.5 trở lên. Theo đó, điểm IELTS sẽ được quy đổi và kết hợp với điểm thi THPT môn Toán và một môn bất kỳ có trong tổ hợp của nhà trường (Văn, Sử, Địa, Lí, Hóa, Sinh). Điểm khác so với năm ngoái là năm nay thí sinh không được sử dụng điểm môn GDCD cho xét tuyển kết hợp.
Phương thức thứ tư dành cho học sinh đạt giải Khuyến khích trong kì thi HSG Quốc gia hoặc giải Nhất, Nhì, Ba trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Học sinh đạt một trong các giải này sẽ được cộng thêm điểm vào tổ hợp điểm xét tuyển theo ngành đăng kí. Số điểm được cộng thêm sẽ tuỳ theo từng giải. Ví dụ, giải Nhất của tỉnh thì được cộng 0.5 điểm, giải Nhì thì 0.25 điểm…
Phương thức thứ năm dành cho các thí sinh đang học hệ chuyên tại các trường THPT chuyên hoặc của các trường trọng điểm quốc gia. Cụ thể, các em sẽ được lấy điểm trung bình chung 5 kỳ cao nhất trên 8,0 kết hợp với điểm môn Toán và một môn bất kì (Văn, Sử, Địa, Lí, Hóa, Sinh, Tiếng Anh) tạo thành điểm tổ hợp để đăng kí xét tuyển vào ngành học.
Đa dạng các chương trình đào tạo liên kết quốc tế
Chia sẻ về chương trình liên kết quốc tế, thầy Lê Việt Thuỷ cho biết sinh viên học các chương trình này sẽ được cấp bằng và học tập theo các chương trình được giám sát bởi các đối tác nước ngoài.
Theo thầy Thuỷ, chương trình đào tạo liên kết quốc tế đầu tiên phải kể đến là Chương trình Cử nhân Quốc tế IBD. Đây là chương trình đào tạo quốc tế liên kết với Anh quốc và New Zealand.
Chương trình đã triển khai đến nay được 18 năm và đã tạo được tiếng vang với các nhà tuyển dụng. Điều kiện đầu vào thì có 2 lựa chọn: Nếu các em thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.0 sẽ được xem xét xét tuyển trước còn nếu chưa có thì phải thi 1 kì thi thi riêng của chương trình IBD”, thầy Thuỷ nêu rõ.
Chương trình liên kết thứ hai là Cử nhân Tài chính và Kế toán liên kết với trường Đại học Cardiff Metropolitan (Anh Quốc). Tương tự như chương trình IBD, sinh viên học hết 3-4 năm tại Đại học Kinh tế Quốc dân, sau đó có thể chuyển tiếp học thạc sĩ bên Anh hoặc sau khi học 3 năm tại Đại học Kinh tế Quốc dân, sinh viên có thể chuyển sang học năm cuối tại Anh để lấy bằng bên Anh.
Thứ ba là chương trình cử nhân quản trị kinh doanh liên kết 2+2 giữa NEU và một trường đại học ở Hàn Quốc, các bạn học 2 năm Việt Nam và 2 năm tại Hàn Quốc là trường đại học Dongseo.
Thầy Thuỷ cho biết thêm, kinh phí học tập của các chương trình liên kết quốc tế sẽ thay đổi tùy chương trình. “Thường thì 1 năm học phí dao động từ 70-80 triệu/năm nếu học tại Việt Nam. Còn nếu học nước ngoài thì mức học phí sẽ theo nước ngoài, thông thường 300-400 triệu/năm, chưa tính chi phí sinh hoạt”, thầy Thuỷ cung cấp thông tin.
Bên cạnh đó, nhà trường còn có những chương trình đào tạo toàn bộ bằng tiếng Anh, điển hình là chương trình Quản lý công và chính sách bằng tiếng Anh (EPMP). Theo TS. Phùng Minh Thu Thủy, Chủ nhiệm chương trình Quản lý công và Chính sách bằng tiếng Anh (EPMP), ưu điểm của chương trình này sinh viên học 100% bằng tiếng Anh và được học 3-5 môn với giảng viên quốc tế và các giảng viên từ các trường đại học đối tác của ĐH KTQD.
Mức học phí của chương trình EPMP hiện là 41 triệu/năm và điều kiện đầu ra của chương trình này là IELTS đạt từ 6.0.
“Chương trình đào tạo của trường thường xuyên được cập nhật theo quy định 2 năm đổi mới 1 lần, trên cơ sở lấy ý kiến khảo sát của những sinh viên tốt nghiệp, của các nhà tuyển dụng. Từ đó, nhà trường sẽ tiếp tục cải tiến, đảm bảo sinh viên luôn được giảng dạy những kiến thức cập nhật nhất, được đào tạo những kĩ năng mà ra trường các em có thể sử dụng được”, thầy Thuỷ nhấn mạnh.
Ngoài thế mạnh về chương trình đào tạo, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân được tham gia các khóa học thực tế hoặc tham gia làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, ngay từ những năm thứ 2, thứ 3. Điều này giúp sinh viên làm quen với môi trường trong các doanh nghiệp, tổ chức thực tế ở bên ngoài để sẵn sàng tiếp nhận công việc ngay khi ra trường.