Đại dịch Covid-19 khiến tình trạng bất bình đẳng giới thêm trầm trọng
Phụ nữ chiếm phần lớn trong đội ngũ nhân viên y tế trên tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 ( Ảnh: The New York State Senate) |
Bước thụt lùi về bình đẳng giới
Bà Angela Merkel nói: “Chúng ta phải đảm bảo rằng đại dịch không làm mọi người quay trở lại khuôn mẫu giới tính cũ”. Thủ tướng Đức cho rằng phụ nữ đã bị tác động một cách không công bằng bởi đại dịch. Phụ nữ vừa là người phải đảm bảo cân bằng giữa việc dạy trẻ học ở nhà, chăm sóc chúng với công việc của chính họ.
Họ cũng là lực lượng y tế chính tại các bệnh viện, cơ sở y tế, nhà dưỡng lão... tại thời điểm mà những công việc này phải đối mặt với nhiều khó khăn đặc biệt. Trong khi đó, phụ nữ lại không có nhiều đại diện trong các vị trí ra quyết định.
Trên thực tế, hơn 75% những người làm việc trong lĩnh vực y tế là phụ nữ, từ văn phòng bác sĩ, bệnh viện đến phòng thí nghiệm và hiệu thuốc. Phụ nữ chỉ chiếm gần 30% các vị trí quản lý trong các lĩnh vực này.
Đức hiện là một trong các quốc gia có sự chênh lệch về lương theo giới lớn nhất của Liên minh Châu Âu. Thu nhập trung bình của phụ nữ thấp hơn 19% so với nam giới theo thống kê năm 2019, một phần do nhiều phụ nữ Đức làm việc bán thời gian. Khoảng cách này thu hẹp còn 6% khi so sánh nam và nữ trong cùng một vị trí việc làm.
Phụ nữ luôn phải cân bằng giữa công việc và gia đình (Ảnh: Getty) |
Đồng quan điểm với Thủ tướng Đức, báo cáo thường niên về bình đẳng giới của Liên minh Châu Âu mới công bố cũng cho thấy đại dịch Covid-19 ngày càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới. Phụ nữ ở các nước thành viên EU chiếm đông đảo trong đội ngũ nhân viên y tế và các việc làm khác trên tuyến đầu phòng chống dịch.
Báo cáo của EU khẳng định: “Đại dịch Covid-19 đã tác động một cách bất công đến đời sống của phụ nữ. Nhiều bằng chứng cho thấy những thành tựu phải trải qua nhiều khó khăn mới giành được trong những năm qua về bình đẳng giới đã bị đảo ngược. Những tiến bộ về quyền của nữ giới đang bị mất đi nhanh chóng”.
Trong thời gian lệnh phong tỏa đầu tiên được áp đặt tại Châu Âu vào mùa xuân năm ngoái, nhiều phụ nữ đã trở thành nạn nhân của vấn nạn bạo lực gia đình. Vấn nạn này đã gia tăng ở Pháp, Litva, Ireland và Tây Ban Nha… Vì vậy, các quốc gia có thể phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ để vượt qua những thụt lùi về bất bình đẳng giới do đại dịch gây ra.
Bất bình đẳng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống
Đại dịch Covid-19 đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có giữa phụ nữ và nam giới trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống. Phụ nữ thường làm những công việc đòi hỏi sự tiếp xúc cá nhân nhiều hơn so với nam giới. Do vậy, họ chịu tác động nhiều nhất từ các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Bên cạnh việc gia tăng gánh nặng chăm sóc trẻ em do đóng cửa trường học và nhà trẻ, phụ nữ cũng phải nhận những công việc được trả lương thấp trong các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề của lệnh phong tỏa. Điều đó khiến họ có nguy cơ thất nghiệp cao hơn.
Phụ nữ hiện diện quá nhiều trong những ngành được trả lương thấp hơn như khách sạn, nhà hàng, bán lẻ hay các dịch vụ tư nhân. Do vậy, họ là đối tượng bị tổn thương nặng nề trong thị trường lao động vốn chịu tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19.
Phụ nữ bị mất việc làm do các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (Ảnh: Getty) |
Số phụ nữ có việc làm tại các nước thuộc Liên minh Châu Âu giảm so với nam giới vào thời kỳ đầu dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Họ cũng gặp khó khăn hơn khi tìm kiếm công việc mới.
Trong khi đó, những ngành dịch vụ không bị gián đoạn trong đại dịch do tính chất đặc thù hoạt động như thông tin, liên lạc, tài chính và bảo hiểm lại chủ yếu tuyển nhân viên là nam giới. Xu hướng này có thể khiến lương hưu của phụ nữ thấp hơn so với nam giới, từ đó làm gia tăng khoảng cách giới về thu nhập và các bất công khác trong những thập kỷ tới.
Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cũng công bố một báo cáo cho thấy tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội trên toàn thế giới đã đạt hơn 25% vào năm ngoái, mức cao nhất trong lịch sử.
Tổng Thư ký IPU, ông Martin Chungong cho biết: “Tôi rất vui khi thông báo lần đầu tiên phụ nữ chiếm hơn 1/4 số đại biểu Quốc hội trên toàn thế giới. Tỷ lệ trung bình toàn cầu của phụ nữ trong Quốc hội hiện đã đạt 25,5%. Khi phụ nữ tham gia vào việc xây dựng luật về các vấn đề cụ thể, kết quả sẽ tốt hơn về mặt chăm sóc sức khỏe, về cách thức mà các Quốc hội đang hoạt động. Từ đó, các Quốc hội trở nên nhạy cảm hơn về giới”.
Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất xa so với mục tiêu bình đẳng giới. Ông Martin Chungong nhấn mạnh: “Trong khi chúng ta vui mừng và hoan nghênh mức cao nhất mọi thời đại này thì mọi người cũng nhận thấy sự tiến bộ đang diễn ra một cách từ từ thậm chí là chậm chạp. Với tốc độ hiện nay, phải mất 50 năm nữa, chúng ta mới có thể đạt được bình đẳng giới trong Quốc hội”.
Khởi động chiến dịch “Vì nụ cười phụ nữ” |
Ngày 8/3: Phụ nữ trên khắp thế giới nói lên hy vọng của họ vào năm 2021 |
Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới |