Đã cấp số định danh cá nhân cho hơn 98,5 triệu công dân
Căn cước công dân gắn chíp điện tử không có chức năng định vị Tập trung cấp thẻ BHYT theo mã số định danh |
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an cho biết đến cuối tháng 6, cơ quan chức năng đã cấp hơn 98,5 triệu số định danh cho công dân toàn quốc.
Bộ cũng hoàn thành thí điểm phần mềm thuộc dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại công an 16 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Nam Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Bạc Liêu, An Giang, Tây Ninh); sẵn sàng kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu với các bộ, ban, ngành. Bộ Công an vận hành chính thức hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1/7/2021.
Ngoài ra, Công an cả nước đã nhận trên 56 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Bộ Công an dự kiến in và trả toàn bộ thẻ căn cước từ nay đến hết tháng 9. Đến cuối năm nay, mọi người dân trong độ tuổi từ đủ 14 trở lên sẽ có căn cước.
Cục C06 đặt mục tiêu trong tháng 7 sẽ thực hiện kết nối hệ thống dịch vụ xác thực thông tin công dân với các địa phương đã có đủ cam kết và được kiểm tra an ninh, an toàn thông tin.
Bộ Công an đã cấp trên 98,5 triệu số định danh cho công dân cả nước |
Đến nay, Bộ Công an đã thử nghiệm kết nối tích hợp dịch vụ chia sẻ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và kết nối dữ liệu với 33/63 UBND tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó giúp xác thực thông tin công dân, giải quyết 236 thủ tục hành chính, đáp ứng các yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử.
Số định danh cá nhân là dãy 12 số ghi trên CCCD gắn chip. Số được cấp cho mỗi công dân từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến khi chết, không thay đổi trong suốt cuộc đời, không lặp lại ở người khác.
Số định danh được dùng để xác định dữ liệu thông tin công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Theo Bộ Công an, với việc sử dụng CCCD gắn chip kèm số định danh cá nhân, người dân không cần đến sổ hộ khẩu giấy. Khi giao dịch các thủ tục hành chính cũng không phải mang nhiều loại giấy tờ, chỉ cần dùng CCCD.
Ngoài ra, CCCD mẫu mới chứa số chứng minh nhân dân cũ trong chip. Người dân không phải xin xác nhận hoặc làm chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan đến số chứng minh thư cũ. Mã QR tích hợp trên CCCD cho phép dùng điện thoại để quét thông tin khi cần khai báo, không phải nhập bằng tay.
Ý nghĩa 12 số trên thẻ căn cước công dân |
Với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục làm sạch, đồng bộ dữ liệu, bổ sung thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Bộ Y tế, Tổng cục Thuế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp; hoàn thành việc kết nối, cung cấp số liệu với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin công dân.
Đặc biệt, vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kịp thời cung cấp dữ liệu liên quan đến người lao động các khu công nghiệp, dữ liệu bệnh nền để phục vụ việc khoanh vùng, chống dịch tại tỉnh Bắc Giang; cung cấp dữ liệu để phục vụ quản lý tiêm chủng tại các khu công nghiệp tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh.
Với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, tính đến ngày 17/6/2021, hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp đã có 17.514.549 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 5.761.906 trẻ em được cấp số định danh cá nhân; 3.497.290 dữ liệu đăng ký kết hôn; 2.422.581 dữ liệu đăng ký khai tử và 4.969.434 dữ liệu khác...