Cuối năm lại “nóng” nạn mua bán tiền giả
Dùng tiền thật để mua tiền giả
Gần đây nhất, ngày 22/12, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, đang điều tra làm rõ hành vi buôn bán, tiêu thụ tiền giả là ngoại tệ xảy ra trên địa bàn.
Trước đó, khoảng 10h ngày 19/12, tại xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, tổ công tác của Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế - Ma túy, Công an huyện Thường Tín phối hợp Công an xã Hòa Bình phát hiện đối tượng nghi vấn. Qua kiểm tra, phát hiện đối tượng đang có hành vi mua bán 163 tờ tiền USD mệnh giá 100 USD nghi vấn tiền giả.
Cơ quan Công an đã làm rõ đối tượng là Ngô Xuân Hiếu (sinh năm 1979, trú tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Hiếu khai nhận mang bán cho khách với giá 1,7 triệu đồng/tờ.
Hiện công an huyện Thường Tín đang củng cố hồ sơ xử lý đối tượng theo quy định pháp luật.
Thiết bị và phôi tiền được đối tượng sử dụng để sản xuất tiền giả |
Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ triệt phá một đường dây chuyên mua bán tiền giả.
Đường dây do đối tượng Võ Văn Tình (26 tuổi, trú tại tỉnh Phú Yên) cầm đầu. Lực lượng cảnh sát đã bắt giữ đối tượng khi đang thực hiện giao dịch mua bán tiền giả trên địa bàn thành phố Dĩ An.
Tại hiện trường, công an thu giữ 235 tờ tiền có mệnh giá 500.000 đồng với tổng trị giá hơn 110 triệu đồng. Tiến hành khám xét nhà đối tượng, công an thu giữ nhiều thiết bị, máy móc dùng để in tiền giả, cùng với nhiều xếp tiền mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng tiền giả đang chờ tiêu thụ.
Đối tượng khai nhận đã bán 5 triệu đồng tiền giả lấy 1 triệu đồng tiền thật. Khách hàng của nhóm này chủ yếu là các con bạc và những đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Mánh khóe của tội phạm
Theo nhận định của cơ quan chức năng, trước đây tiền giả đa số được các đối tượng sản xuất từ nước ngoài, sau đó được chuyển vào nội địa tiêu thụ với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay, các đối tượng đã tự trang bị các máy móc, thiết bị để làm tiền giả và tiêu thụ ngay trong nước. Bọn chúng mua, bán tiền giả với tỷ lệ 1 tiền thật mua được từ 4 - 10 tiền giả.
Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, chúng tổ chức thành một đường dây liên hoàn từ khâu mua bán, vận chuyển, cất giấu đến tiêu thụ. Địa bàn tiêu thụ thường ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà khả năng tiếp cận của người dân với các thông tin liên quan đến tiền giả nói riêng còn hạn chế, những nơi dễ tẩu thoát khi bị phát hiện.
Riêng tại khu vực thành thị, bọn tội phạm cũng lợi dụng khi những người bán hàng đang bận rộn, thiếu cảnh giác hoặc những người già, thị lực kém… để thực hiện hành vi tiêu thụ tiền giả.
Thông thường để tiêu thụ tiền giả trót lọt, chúng dùng tờ tiền giả mệnh giá lớn mua một loại hàng hóa giá trị rất nhỏ, như thuốc lá, thẻ cào điện thoại, rau củ… để được trả lại bằng tiền thật hoặc để tiền giả xen lẫn với tiền thật khi giao dịch.
Các đối tượng công khai rao bán tiền giả trên mạng xã hội |
Tinh vi hơn, thời gian gần đây, hoạt động tội phạm liên quan đến tiền giả còn sử dụng các trang mạng xã hội để giao dịch nhằm đối phó, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "Bán tiền giả", rất nhiều trang cá nhân, nhóm chuyên quảng cáo, rao bán tiền giả xuất hiện.
Mức giá rao bán được các đối tượng ghi rõ. Khách đặt hàng, chuyển tiền và đối tượng bán sẽ rao hàng tận nơi dưới nhiều hình thức. Thậm chí nhiều kẻ sử dụng cả tài khoản ngân hàng yêu cầu khách chuyển tiền vào.
Điểm chung là các đối tượng bán tiền giả đều khẳng định số tiền giả rao bán giống với tiền thật 99%. Các tờ tiền dùng mắt thường không thể phát hiện, trừ khi soi máy quét mới thấy. Nhiều đối tượng quả quyết tiền giả đã được tiêu thụ trót lọt ở nhiều nơi.
Để tạo niềm tin cho những người có lòng tham mua tiền giả, các đối tượng này bày cách sử dụng: Không tiêu số lượng lớn, dùng ở các vùng quê, nông thôn, vùng sâu, xa; Không tiêu ở siêu thị, trung tâm thương mại…
Cảnh giác cao để tránh phạm luật
Mọi người phải có thói quen kiểm tra tiền cẩn thận khi nhận từ khách hàng để chủ động phát hiện tiền giả hoặc nghi tiền giả. Đối với các cơ sở kinh doanh, khi thấy người mua hàng có các dấu hiệu khả nghi như dùng tiền mệnh giá lớn để mua hàng hóa giá trị rất nhỏ thì cần cảnh giác, kiểm tra cẩn thận tiền trước khi nhận tiền, bán hàng.
Khi có nghi ngờ về tiền giả, mọi người phải từ chối nhận; khi phát hiện đối tượng sử dụng tiền giả phải nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất đến giải quyết.
Theo Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hành vi sử dụng tiền giả, không phân biệt giá trị lớn hay nhỏ đều bị xử lý hình sự về tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” với mức án tù từ 3 - 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.