Cuba quay lại thời kỳ tem phiếu
Chương trình định mức khẩu phần ăn đã từng được chính quyền Cuba áp dụng, sau cuộc cách mạng năm 1959 (trong ảnh: Người dân Cuba xếp hàng mua nhu yếu phẩm tại một cửa hàng ở Thủ đô Havana). Ảnh: Reuters.
Bài liên quan
Indonesia: 5 người chết, nhiều người bị mắc kẹt trong vụ sập mỏ vàng
Những vụ máy bay thảm khốc đầu năm 2019
Bí mật nhà hoang và tiền vô chủ tại Nhật
Vương quốc Anh tìm kiếm nhân sự y tế châu Á
Bầu cử Ukraine vòng hai: Tổng thống chấp nhận điều kiện tranh luận
Náo nhiệt lễ hội té nước tại Thái Lan
Bà Betsy Díaz Velázquez, Bộ trưởng Thương mại Cuba, cho biết, các hình thức phân phối khác nhau sẽ được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhu yếu phẩm. Bà Díaz đổ lỗi nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lệnh cấm vận thương mại cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump.
Các nhà kinh tế thì cho rằng một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng khiến Cuba rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế là sự sụt giảm nguồn viện trợ từ Venezuela. Các công ty dầu mỏ nhà nước ở Venezuela đang cắt giảm gần 2/3 các lô hàng nhiên liệu trợ cấp cho Cuba để sử dụng sản xuất điện và kiếm ngoại tệ từ thị trường mở.
Bà Díaz kêu gọi mọi người bình tĩnh: “Sẽ không có một sản phẩm nào vắng mặt trên thị trường. Người dân hãy yên tâm, ít nhất dầu ăn vẫn sẽ được cung cấp dồi dào”.
Tuy nhiên, nhiều cửa hàng tại đất nước lớn nhất vùng Caribe này ngày càng vắng khách vì sự khan hiếm của các loại thực phẩm cơ bản như trứng, bột mì và thịt gà. Do vậy, không khó để bắt gặp những người xếp hàng dài, đứng chờ đợi cả giờ đồng hồ để có thể mua mỗi khi có hàng về.
Tính trong tháng 3, Cuba sản xuất được 900.000 quả trứng, trong khi hằng ngày cần có 5 đến 7 triệu quả để đáp ứng nhu cầu của 11 triệu dân. Sự thiếu hụt này giảm xuống còn 700.000 quả hồi trung tuần tháng 4. Ngoài ra, thịt lợn phổ biến nhất ở Cuba cũng chỉ đạt vài trăm tấn mỗi ngày, thấp hơn mức đặt ra.
Cuba nhập khẩu 60 - 70% nhu cầu thực phẩm trong nước. Một số ít các cải cách nông nghiệp trong những năm gần đây đã thất bại trong việc tăng sản lượng cũng như phải chịu lệnh cấm vận thương mại của Mỹ hàng thập kỷ qua.
Sự sụt giảm viện trợ từ nước đồng minh chủ chốt Venezuela và kim ngạch xuất khẩu sụt giảm đã khiến quốc gia này lâm vào khó khăn. Cuba phải vật lộn để có tiền mặt nhằm nhập khẩu hàng hóa thiết yếu. Nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống đã khiến khủng hoảng thanh khoản của Cuba càng trở nên tồi tệ hơn.
Bà Díaz cũng cho biết, một vấn đề khác đang khiến người dân Cuba lo lắng là nhiều hàng hoá sẽ “biến mất” tại các cửa hàng, siêu thị do một số kẻ đầu cơ “ôm hàng” rồi bán lại trên thị trường chợ đen với giá cắt cổ.
Do vậy, các siêu thị ở Cuba sẽ giới hạn số tiền mà mỗi người có thể mua một số sản phẩm nhất định như thịt gà và xà phòng. Các sản phẩm khác như trứng, gạo, đậu và xúc xích sẽ chỉ được mua bằng thẻ khẩu phần và bị giới hạn số lượng mua nhất định mỗi tháng.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là phá vỡ tất cả các lệnh trừng phạt mà chính phủ Mỹ đang áp dụng và hôm nay chúng tôi đang đặt ra các ưu tiên”, bà Díaz cho biết.
Một số người Cuba, đặc biệt là những người có mức lương và lương hưu thấp, không đủ khả năng mua hàng hóa trên thị trường chợ đen bày tỏ sự nhẹ nhõm khi nghe thông tin này.
Nhiều người khác lại nhấn mạnh rằng, đây là sự quản lý sai lầm của nền kinh tế. “Những biện pháp này chỉ là biện pháp khắc phục tạm thời chứ không giải quyết được vấn đề của người Cuba về lâu dài. Đất nước này sản xuất quá ít hàng hóa và vì vậy không có đủ tiền tệ”, Ihosvany Perez Rodriguez, 34 tuổi, chủ một cửa hàng nhỏ ở Havana nói.
Kinh tế Cuba đã sụp đổ sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khiến quốc gia này rơi vào tình trạng đói nghèo một giai đoạn dài. Tình hình chỉ kết thúc nhờ nguồn dầu trợ giá của Venezuela hồi đầu những năm 2000.
Chuyện thiếu thức ăn và phải ra định mức lương thực mới nhất xem ra kết thúc một giai đoạn tương đối thịnh vượng của Cuba.
Các quan chức lãnh đạo cấp cao của nước này cho biết, dù Cuba đang đối mặt giai đoạn khó khăn nhưng sẽ không có chuyện quay lại thời kỳ suy thoái hậu Liên Xô. Cuba đã đa dạng hóa nền kinh tế và lập quan hệ thương mại với nhiều nước trên thế giới.