Công ty mua bán nợ Việt Nam quyết bán sạch cổ phiếu MSB
Mối lo nợ xấu của MSB |
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) đăng ký bán toàn bộ hơn 309.600 cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB).
Giao dịch dự kiến thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn chứng khoán từ ngày 21/7-20/8 tới đây.
Được biết, đây là số cổ phiếu mà công ty mua thêm theo quyền mua nhưng chưa được lưu ký tại thời điểm thoái hơn 4 triệu cổ phiếu MSB vào tháng 4/2021.
Trước đó, DATC đã nhiều năm đăng ký thoái toàn bộ vốn tại MSB nhưng không thành công do không có người mua.
Theo đó, vào tháng 5/2019, DATC đã công bố bán đấu giá hơn 4 triệu MSB với mức giá khởi điểm được đưa ra là 11.800 đồng/cổ phiếu nhưng chỉ có 2 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua 1.800 cổ phần.
Đến cuối năm 2020, DATC lại chào bán toàn bộ số cổ phần này với giá khởi điểm gần 13.000 đồng/cổ phiếu nhưng phải dừng do thực hiện điều chỉnh phương án thoái vốn tại doanh nghiệp niêm yết theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ảnh minh họa |
Vì không thoái vốn thành công, DATC được quyền mua cổ phiếu quỹ do MSB phát hành cuối năm 2020 và đã quyết định mua vào hơn 309.600 cổ phiếu.
Mãi đến tháng 4/2021, DATC mới bán thành công toàn bộ 4 triệu cổ phiếu MSB, chỉ còn hơn 309.600 cổ phiếu mua thêm chưa lưu ký tại thời điểm đó.
Mới đây, bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) đã có báo cáo phân tích về MSB với nội dụng tín dụng tăng mạnh để hỗ trợ chi phí dự phòng trong tương lai.
Trong đó, SSI Research đã nâng dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 của MSB lên 3.860 tỷ đồng, tăng 10,3% so với lần dự báo trước và tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, các chuyên gia SSI nhận định tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu ở mức thấp có thể khiến chi phí dự phòng của MSB cao hơn trong tương lai.
Được biết, trong quý I/2021, MSB đã trích lập chi phí dự phòng rủi ro gấp 2,6 lần cùng kỳ (gần 204 tỷ đồng). Vì vậy, tình hình nợ xấu tính tại MSB không có nhiều thay đổi so với đầu năm, tổng nợ xấu vẫn duy trì gần 383 tỷ đồng, do đó tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay kiểm soát ở mức 0,43%.
Theo phân tích của SSI Research, tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu mới hình thành của MSB đều giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, do ngân hàng không xóa nợ xấu trong quý I/2021, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu không đổi ở mức 54,7% và đây là mức thấp thứ hai trong số các ngân hàng mà SSI nghiên cứu.
Đặc biệt, các chuyên gia của SSI cũng chỉ ra những yếu tố tiềm ẩn nợ xấu của MSB trong thời gian tới.
Theo đó, tính đến ngày 31/3/2021 nợ nhóm 2 tại MSB (nợ cần chú ý với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tăng 29% so với đầu năm, lên mức gần 1.262 tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng dư nợ, cao hơn mức bình quân toàn hệ thống (1,13%).
Các chuyên gia SSI cho rằng, tuy nợ nhóm 2 chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn bất ngờ nhảy vọt cho thấy tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.
Bên cạnh đó, MSB hiện có 473 tỷ đồng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 (chiếm 0,52% tổng dư nợ cho vay), trong đó khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 77% và khách hàng doanh nghiệp lớn chiếm 18%.
Ngoài ra, MSB đã phân loại 500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sang khoản lỗ trong quý I/2021. Nếu ghi nhận khoản này, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng lên 2,31%. Theo MSB, toàn bộ khoản này đã được trích lập dự phòng đầy đủ trong tháng 4 theo quy định hiện hành.
Cùng với đó, một khoản mục khác là phải thu quá hạn trị giá 1.710 tỷ đồng cũng tiềm ẩn rủi ro tín dụng tại MSB, ngân hàng đã trích lập dự phòng 586 tỷ đồng (tương đương 34,2% tổng nợ quá hạn).
Cũng tại báo cáo phân tích, các chuyên gia SSI duy trì khuyến nghị đối với cổ phiếu của MSB và tăng giá mục tiêu một năm thêm 25,1% lên 29.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng triển vọng tăng giá là 7,7%. Nếu MSB có thể bán vốn ít nhất 50% Công ty Tài chính FCCOM với giá 1.000 tỷ đồng hoặc nhiều hơn thì giá mục tiêu một năm đối với cổ phiếu có thể tăng lên.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MSB đóng cửa phiên 6/7 ở mức 29.250 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 97% so với lúc niêm yết.