Công đoàn Việt Nam - Chỗ dựa vững chắc của người lao động trong mọi thời kỳ
93 năm xây dựng và phát triển
Cách đây 93 năm, ngày 28/7/1929, tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ chính thức được thành lập, do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh thay mặt lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam thăm, trao quà động viên lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch tỉnh Thái Bình |
Trong tác phẩm Đường Kách Mệnh (năm 1927), khi đề cập đến sự cần thiết của tổ chức Công đoàn, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Trước hết là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ quyền lợi cho công nhân, năm là giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.
Trải qua 12 kỳ đại hội, Công đoàn Việt Nam được gọi với các tên khác nhau: Công hội Đỏ, Nghiệp đoàn ái hữu, Hội Công nhân phản đế, Hội Công nhân cứu quốc, Tổng Công đoàn Việt Nam và nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ngay từ khi thành lập, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã luôn sát cánh cùng phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động… Công đoàn Việt Nam chú trọng thực hiện chức năng đại diện và chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Mọi hoạt động của Công đoàn Việt Nam đều phục vụ lợi ích của công nhân, lao động, của đất nước và dân tộc. Các thế hệ cán bộ công đoàn đã tận tụy, hết mình vì sự nghiệp xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Khẳng định vai trò trong mọi hoàn cảnh
Những năm gần đây, trước yêu cầu đổi mới toàn diện, các cấp Công đoàn, trực tiếp là Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn. Trước hết là đổi mới tư duy về Công đoàn và hoạt động Công đoàn trong bối cảnh mới. Các hoạt động dần đi vào chiều sâu, bám sát chức năng, nhiệm vụ và nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, trong đó tập trung thực hiện chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” do LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức đã mang "Túi An sinh Công đoàn”đến với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 |
Trước những thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, trong thời gian qua, Công đoàn các cấp đã tích cực, chủ động đồng hành với người lao động, doanh nghiệp, với Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị phòng chống dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Cụ thể, các cấp công đoàn đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đồng hành với Chính phủ và chính quyền các cấp. Hàng vạn cán bộ công đoàn ngày đêm tận tụy, bất chấp hiểm nguy tham gia chống dịch, kịp thời chăm lo, hỗ trợ người lao động, tham gia sản xuất, kinh doanh, rất nhiều đồng chí trở thành cán bộ tuyến đầu.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tham gia xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách do Chính phủ ban hành hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Công đoàn cơ sở tích cực thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về phương án sản xuất đảm bảo duy trì việc làm và an toàn cho người lao động, về các chế độ lương, thưởng, quyền lợi bảo hiểm và phúc lợi cho người lao động.
Công đoàn Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình để bảo vệ và chăm lo hỗ trợ người lao động, đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với nhiều mô hình hay, nhất là tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh. Nổi bật là các chương trình, hoạt động hỗ trợ khẩn cấp; hỗ trợ các suất ăn miễn phí cho đoàn viên, người lao động trong thời gian cách ly; tổ chức phiên chợ 0 đồng, vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ, điện nước, sinh hoạt cho công lao động; đồng thời Công đoàn cũng đóng góp kinh phí chung tay cùng Chính phủ mua vắc xin; kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp mua vắc xin để tiêm phòng cho công nhân lao động…
Những kết quả toàn diện của hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động cả nước đã góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, cũng như góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam.