Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự 2 vụ nhập lậu hơn 16.000 bao thuốc lá
Số lượng thuốc lá “khủng”
Cụ thể, ngày 17/12, Công an quận Hai Bà Trưng phối hợp với Công an quận Tây Hồ phát hiện một đối tượng nam điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave màu đen, biển kiểm soát 29F-412.44 có biểu hiện nghi vấn.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện đối tượng là Vũ Đức Hiền (sinh năm 1959; ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) đang vận chuyển một thùng giấy. Tiến hành kiểm tra thùng hàng bên trong có 800 bao thuốc lá điếu nhãn hiệu 555 do nước ngoài sản xuất.
Tại thời điểm kiểm tra, Vũ Đức Hiền không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số thuốc lá điếu trên.
Tại cơ quan công an, Vũ Đức Hiền khai số thuốc lá điếu trên là do đối tượng Trương Thị Tuyết (sinh năm 1970; ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) thuê chở từ Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai về nhà của Tuyết tại phường Yên Phụ.
Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ số lượng lớn thuốc lá nhập lậu |
Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Trương Thị Tuyết tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ và kho hàng ở ngõ 310 Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ, phát hiện thêm 11.030 bao thuốc lá điếu nghi nhập lậu, gồm nhiều chủng loại. Quá trình đấu tranh, đối tượng Tuyết khai toàn bộ số hàng cấm trên là của Tuyết. Tổng số hàng hóa vi phạm là 11.830 bao thuốc lá.
Cùng ngày, Công an quận Hai Bà Trưng phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 15 phát hiện ngôi nhà ở phố Trần Thủ Độ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai là nơi tập kết hàng hóa nghi vấn không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện và thu giữ 4.670 bao thuốc lá điếu nghi nhập lậu.
Hiện Công an quận Hai Bà Trưng đang củng cố hồ sơ, khởi tố vụ án và khởi tố bị can liên quan về tội danh mua bán hàng cấm.
Có căn cứ xử lý hình sự
Theo Luật Minh Khuê, hiện nay việc xử phạt vi phạm hành chính về vận chuyển, tàng trữ thuốc lá quy định tại như sau:
Điều 25. Hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu
…
2. Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
3. Các mức phạt tiền quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với:
a) Người có hành vi vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu;
b) Chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở có hành vi tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu;
c) Người có hành vi giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu trong trường hợp tang vật có số lượng từ 500 bao trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
c) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh thuốc lá từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.”
Theo đó, hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Còn căn cứ quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm như sau:
Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp khác trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Buôn bán hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.