“Cô giáo của chúng em”
Cô Nguyễn Thị Hòa - Hiệu trưởng trường THCS Phương Tú (Ứng Hòa, Hà Nội)
Bài liên quan
Hà Nội có thêm một trường quốc tế
Sách giáo khoa Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại loại bỏ vì "không phù hợp với học sinh lớp 1"
ĐH Bách Khoa Hà Nội lọt vào top các trường Đại học tốt nhất thế giới THE WUR
Bài 2: Thầy cô là nhân tố cốt lõi phòng chống bạo lực
Bộ trưởng Bộ GD – ĐT cùng học sinh vùng rốn lũ Quảng Bình khai giảng muộn
Đẩy mạnh ứng dụng phương pháp học tập chủ động trong cộng đồng dạy tiếng Anh
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô học trò Nguyễn Thị Hòa đã nuôi mơ ước trở thành giáo viên dạy Văn. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, chị về nhận công tác tại trường THCS An Phú (huyện Mỹ Đức), sau đó là trường THCS Tri Xá (Mỹ Đức). Năm 1996 chị Hòa nhận nhiệm vụ tại Trường THCS Phương Tú. Với nhiều nỗ lực phấn đấu, năm 2014 chị được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng nhà trường.
Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, dạy học sinh trở thành một công dân tốt, có ích chị Hòa còn thường xuyên quan tâm đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những em học sinh đặc biệt. Hằng năm chị đều vận động các cán bộ, giáo viên trong trường hỗ trợ học phí, tặng đồng phục, tặng quà nhân dịp Tết thiếu nhi, Tết nguyên đán cho các em, nhằm giúp các em có thêm niềm tin, động lực nỗ lực hơn trong học tập.
“Hai ngôi trường đầu tiên tôi công tác đều nằm ở khu vực khó khăn của TP Hà Nội. Ở đó, có rất nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng các em có một nghị lực phi thường trong cuộc sống, trong học tập. Chính vì vậy, việc trích lương của tôi chỉ là một việc làm rất nhỏ bé, mong muốn góp sức để nâng bước các em trên con đường đi tìm tri thức”, chị Nguyễn Thị Hòa bộc bạch.
Năm học 2017- 2018, Hiệu trưởng Trường THCS Phương Tú đã nhận đỡ đầu 3 em học sinh có vấn đề về tâm lý (chứng tự kỷ). Qua tìm hiểu chị biết gia đình các em đều trong diện khó khăn, bố mẹ làm nông nghiệp, vì tâm lý của các em có vấn đề nên gia đình đã nộp hồ sơ vào nhiều trường nhưng không được tiếp nhận; có trường hợp các em chuyển đến 2 trường đều không có sự tiến triển.
Chị Hòa cho biết: “Ở nông thôn điều kiện không được như ở thành phố, không có trường chuyên biệt cho trẻ đặc biệt. Tôi nghĩ nếu ai cũng từ chối các em thì người đầu tiên chịu thiệt thòi là các em, rồi gánh nặng sẽ đè lên vai những người làm cha, làm mẹ, sau này là xã hội. Bởi vậy, sau khi tìm hiểu rõ hoàn cảnh của 3 em học sinh, tôi họp Ban Giám hiệu nhà trường và thống nhất tiếp nhận các em, đồng thời phân công giáo viên quan tâm, giúp đỡ các em”.
Theo chị Hòa, thời gian đầu các em không làm chủ được hành vi của mình, ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức. Bên cạnh đó, do chưa hiểu rõ về bạn nên nhiều học sinh trong lớp có tâm lý sợ hãi, kỳ thị, không chơi với bạn, khiến các em càng trở nên tự ti, không muốn thay đổi; các giáo viên được phân công phụ trách các em đều chưa có kinh nghiệm trong việc dạy trẻ tự kỷ, do vậy việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ sẽ trở nên khó khăn và vất vả hơn gấp nhiều lần.
Thấu hiểu những điều đó, chị Hòa và các giáo viên trong trường dành nhiều thời gian tiếp xúc với các em, lắng nghe chia sẻ, dùng tình yêu thương của mình giúp các em hòa nhập với bạn bè, với trường, lớp. Mặt khác, các cô giáo được giao nhiệm vụ giúp đỡ các em cũng phải tự tìm tòi, học hỏi cách giao tiếp, cách chia sẻ để các em hợp tác trong quá trình dạy học. Tình yêu thương của chị Hòa và các cô giáo trong trường đã giúp 3 em học sinh từng bước có tiến bộ trong học tập, rèn luyện.
“Tôi thực sự cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc khi được công tác tại mái trường có đội ngũ cán bộ, giáo viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn giàu lòng nhân ái. Ở Phương Tú các thầy cô luôn coi học sinh như chính con của mình, hết mực yêu thương, không phân biệt hoàn cảnh và đều mong mỏi các em sẽ trở thành những học trò ngoan”, chị Hòa tự hào chia sẻ.
Với cô giáo sinh năm 1973, hạnh phúc nhất với người giáo viên là được chứng kiến lớp lớp học sinh ra trường, trải qua quá trình phấn đấu các em để trưởng thành. Đến nay, có nhiều em lựa chọn nghề giáo và trở về làm đồng nghiệp của chị; nhiều em trở thành doanh nhân, nhưng cũng có những em vì khó khăn nên phải bươn chải lo toan cho cuộc sống… hơn hết, các em đều trở thành những công dân tốt, sống có ích cho xã hội. Các em chính là động lực để chị và những đồng nghiệp của mình nỗ lực nhiều hơn trên con đường truyền thụ tri thức.
Là người đứng đầu nhà trường, chị Hòa luôn xác định phải đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Trong chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ công tác của nhà trường luôn được chị triển khai một cách có hiệu quả, tạo nên phong trào thi đua dạy và học sôi nổi, nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Qua đó đoàn kết nội bộ được tăng cường, tạo sự thống nhất từ chi bộ đến cán bộ, đảng viên, giáo viên. Năm học 2017 - 2018 nhà trường được đề nghị tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, Công đoàn được đề nghị khen thưởng Công đoàn vững mạnh xuất sắc. Liên đội được đề nghị Liên đội mạnh cấp Trung ương. Bản thân chị Hòa vinh dự được Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu "Người tốt việc tốt" năm 2018.