Chuyện về người đi gieo hạt ước mơ
“Gieo hạt mầm sống xanh” trong trường học từ những điều giản dị Những cô giáo dân tộc thiểu số “gieo mầm” trên đỉnh núi |
“Mỗi chúng ta sinh ra, ai cũng có những hoài bão, ước mơ và hy vọng. Tôi cũng vậy. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã ước mơ được trở thành một cô giáo. Hơn 20 năm trong nghề, cũng là trọn từng đấy năm tôi gắn bó với học sinh lớp 1”. Đó là chia sẻ của cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai khi nói về công việc của mình.
Cô Hoàng Mai hiện là giáo viên trường Tiểu học Nông Nghiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Không chỉ vững chuyên môn, giàu nhiệt huyết, cô còn dành tình yêu đặc biệt với học sinh khó hòa nhập, chậm phát triển…
Cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai trong một tiết dạy |
Xây dựng lớp học hạnh phúc
Hơn 20 năm đón học sinh lớp 1, đều đặn mỗi ngày, cô “gieo hạt ước mơ” đến những tâm hồn trẻ thơ trong trẻo. Mỗi khi học sinh mắc lỗi, cô thường nghĩ “ấy như thế mới là học sinh lớp 1” để rồi bao dung kéo các em vào lòng bằng tình yêu thương của người thầy - “người mẹ hiền thứ hai”.
Theo cô Mai, để xây dựng được một lớp học hạnh phúc cần đảm bảo đủ ba tiêu chí: Yêu thương - an toàn - tôn trọng mà yếu tố cốt lõi nhất chính là quan hệ giữa thầy và trò. Quan hệ này phải thay đổi, kéo gần lại khoảng cách thầy trò bằng khen ngợi, khuyến khích, khuếch trương và những kỳ vọng hợp lý.
Ngoài ra, thầy cô cần phải thay đổi, thay đổi để tạo cảm hứng cho chính mình và truyền cảm hứng cho những người xung quanh; đồng thời phải biết kiểm soát cảm xúc của bản thân, biết chấp nhận sự khác biệt của học trò và hãy lựa chọn việc dạy học bằng truyền cảm hứng…
Đặc biệt, khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đối với lớp 1, cô đã lựa chọn phương pháp “dạy học truyền cảm hứng” nhằm tạo động lực, hứng thú học tập cho học sinh. Những ý tưởng để trở thành “người thầy truyền cảm hứng” đã được áp dụng vào trong các tiết học.
Tiêu biểu, cô đã trực tiếp tham gia thực hiện 4 tiết dạy minh họa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách giáo khoa “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”. Các tiết dạy được đánh giá có nhiều đổi mới về hình thức, phương pháp... theo định hướng phát triển năng lực của người học.
Các tiết dạy này được đăng tải trên kênh YouTube và các trang web tập huấn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhằm tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho giáo viên, phụ huynh, học sinh trên khắp các tỉnh thành.
Hay vào thời điểm khi dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến, quan điểm về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhiều thông tin được đăng tải trên các trang mạng xã hội về các “sạn” trong môn Tiếng Việt của các bộ sách. Là người được giao trọng trách thực hiện tiết dạy chuyên đề cấp thành phố môn Tiếng Việt, cô đã điều chỉnh nội dung, thay đổi phương pháp, thực hiện thành công tiết dạy.
Trong tiết dạy, cô trò hoạt động nhẹ nhàng, hiệu quả. Tiết dạy của cô được đánh giá cao. Cô đã lan tỏa, truyền cảm hứng tới đồng nghiệp của mình, phần nào tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc cho các đồng nghiệp khi bước đầu thực hiện thay sách giáo khoa lớp 1.
Cô giáo Mai chia sẻ kinh nghiệm dạy trẻ hòa nhập |
Đồng hành, chia sẻ với học sinh đặc biệt
Với phương châm không để học sinh nào bị “bỏ rơi”, trong suốt hơn 20 năm công tác, cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai luôn quan tâm, yêu thương và đồng hành với tất cả học sinh, nhất là những học sinh cần sự giáo dục đặc biệt trong môi trường giáo dục hòa nhập như học sinh mắc chứng tự kỷ, học sinh tăng động, chậm phát triển trí tuệ...
“Thương các em, cảm thông với bố mẹ các em vì tôi cũng là một người mẹ, tôi đã tự đặt ra mục tiêu sẽ giúp các em hòa nhập để các em có một cuộc sống tốt đẹp, tươi sáng hơn”, cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai bày tỏ.
Chính vì vậy, cô đã dành thời gian tìm hiểu tư liệu, sách vở, đồng thời nhờ chuyên gia tư vấn để tìm ra phương pháp cho từng trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Đề tài “Kinh nghiệm dạy trẻ tự kỷ trong môi trường giáo dục hòa nhập” đã được trao giải Nhất tại chương trình “Sáng kiến vì cộng đồng” năm 2020 do tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức.
Theo cô, để trẻ tự kỷ trở nên bình thường như bao trẻ cùng trang lứa thì vai trò của gia đình và người thầy, đặc biệt giáo viên lớp 1 hết sức quan trọng. Trẻ tự kỷ cần có những môi trường giáo dục phù hợp, đáp ứng nhu cầu, năng lực và điều kiện học tập của mỗi em.
Giáo dục trẻ tự kỷ trong lớp hòa nhập sẽ tạo điều kiện cho các em hòa nhập cộng đồng. Do đó, rất cần sự thay đổi trong cách nhìn nhận, tiếp cận các phương pháp giáo dục để trẻ tự kỷ nói riêng và trẻ có nhu cầu đặc biệt cảm thấy thực sự được “Yêu thương - An toàn - Tôn trọng” trong môi trường hòa nhập.
“Quá trình dạy học trẻ tự kỷ, tôi thường thực hiện theo ba bước. Bước thứ nhất là tìm hiểu tâm lý học sinh, kiểm tra để xác định được năng lực và nhu cầu của từng trẻ. Bước thứ hai là xây dựng mục tiêu, lập kế hoạch giáo dục cá nhân của từng trẻ. Bước thứ ba là dựa vào mục tiêu, kế hoạch đã xây dựng để lựa chọn phương pháp phù hợp. Sau mỗi phương pháp, tôi đều đánh giá hiệu quả của phương pháp mình áp dụng”, cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai chia sẻ.
Với lòng yêu nghề, mến trẻ cùng sự nhiệt huyết, tinh thần không ngừng học hỏi, cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai luôn khẳng định mình trong công tác chủ nhiệm cũng như trong giảng dạy. Bao thế hệ học sinh được cô dạy dỗ nay đã thành đạt, nên người.
Nhắc đến cô, tất cả phụ huynh đều biết đến hình ảnh của một người giáo viên với lòng yêu nghề, mến trẻ, tận tụy với công việc của mình. Họ hoàn toàn yên tâm gửi gắm con cho nhà trường, cho cô giáo - “người mẹ hiền thứ hai”.
Với những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, nhiều năm liền, cô Đỗ Thị Hoàng Mai đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cô được xếp loại cấp huyện, cấp thành phố… và có sức lan tỏa trong cộng đồng.