Chuyện những người giữ lửa tinh hoa Gốm Việt
Người thầy không ngừng học hỏi
Tuổi ngoài 80, hằng ngày nghệ nhân ưu tú Hạ Bá Định không quản nắng mưa vẫn đến làm việc tại Công ty CP Gốm Chu Đậu. Chỗ làm việc của ông không bảng, không phấn viết nhưng cả tập thể công ty đều gọi ông là “Thầy Định!”.
Ông là một trong những người có công đầu trong việc phục dựng gốm cổ Chu Đậu.
Đầu những năm 2000, khi làng nghề Gốm Chu Đậu được khôi phục bởi Công ty CP Thương mại Hapro, giờ đây là một thành viên của Tập đoàn BRG. Ông Định đã là người thầy đầu tiên của 80 học trò, để sau này những người học trò đã cùng ông góp phần phục dựng thành công dòng gốm cổ mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ông chỉ cho học trò biết rằng: “Người làm gốm phải giàu tính sáng tạo, phải biết thổi hồn vào sản phẩm bằng trái tim, luôn tìm tòi tới các nét đẹp văn hóa để đưa vào sản phẩm cho phù hợp”. Chính điều đó mới làm nên nét riêng của gốm Chu Đậu so với nhiều gốm khác.
Cả một đời miệt mài với gốm, gia tài đáng giá nhất của người nghệ nhân già là những học trò đã trưởng thành và tiếp tục đem Gốm Chu Đậu phát triển rực rỡ. Rời nơi làm việc tại công ty, nơi ngôi gôi nhà 3 tầng ở Thành phố Hải Dương của ông đâu đâu cũng thấy bóng dáng của gốm, ông nói: “Tuổi có thể già, năm tháng có thể già nhưng sự sáng tạo là vô tận, mình còn sống thì còn sáng tạo để phát triển…”
Lớp nghệ nhân trẻ giữ lửa Chu Đậu
Những người học trò đầu tiên của “Thầy Định” tại ngôi chùa Thôn Chu Đậu giờ đây đã giữ những những vị trí quan trọng trong công ty, tiếp tục ngọn lửa mang Gốm Chu Đậu rạng danh trong thời kỳ mới.
Nghệ nhân Nguyễn Huy Kiên, sau gần 20 năm cống hiến tại công ty, giờ đây anh đã là Phó giám đốc sản xuất. Trên cương vị quản lý, không còn nhiều thời gian gắn bó trực tiếp với gốm nhưng tâm huyết mà anh dành cho Gốm Chu Đậu giờ được chuyển sang việc sáng tạo để tìm ra những hướng đi mới, những công nghệ mới để giúp Gốm Chu Đậu được ưa chuộng khắp trong nước và quốc tế.
Nghệ nhân Trần Thị Ngàn, cũng đến với Gốm Chu Đậu từ mái Chùa và niềm đam mê của “Thầy Định” giờ là Tổ trưởng tổ vẽ của Công ty CP Gốm Chu Đậu, ngày ngày gắn bó nét vẽ. Sự sáng tạo và nghệ thuật vẽ điêu luyện của chị đã được thể hiện lên cặp bình gốm Hoa Lam – Tỳ Bà vẽ vàng kim được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt Nam năm 2014 và chị trong năm nay cũng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân.
Nhờ bàn tay của những người nghệ nhân trẻ, những sản phẩm Gốm Chu Đậu vừa mang tính truyền thống nhưng lại được kết hợp hài hòa với phong cách hiện đại, quà tặng gốm Chu Đậu có nhiều sản phẩm cao cấp được khắc kim, có thể in logo, vẽ phong cảnh hay in câu chúc, chữ ký, slogan lên đó và được dùng làm quà tặng nguyên thủ các nước trong các dịp ngoại giao của Việt Nam.
Sự phát triển của Gốm Chu Đậu hiện nay còn mang dấu ấn sau cổ phần hóa khi trở thành thành viên của Tập đoàn BRG. Gốm Chu Đậu giờ đây thể hiện yếu tố hiện đại, công nghệ chứa đựng trong cái mộc mạc từ đất và nước vốn và được in tên, thương hiệu, lời chúc rồi nung đốt chìm dưới men làm cho sản phẩm, thương hiệu trường tồn qua thời gian của món quà với người được tặng, trở thành tặng phẩm quốc gia dành tặng những vị nguyên thủ và những nhân vật nổi tiếng khi đến với Việt Nam và được thế giới đón nhận.
Những người nghệ nhân Gốm Chu Đậu hiện nay từ lớp thế hệ trước như “Thầy Định”, anh Kiên hay chị Ngàn vẫn ngày ngày thổi hồn vào đất, cùng với sự năng động và sáng tạo sau khi cổ phần hóa sẽ tiếp tục thổi ngọn lửa vinh quang cho dòng gốm tinh hoa mang đậm bản sắc tỏa sáng khắp năm châu.