Chuyên gia giải đáp ôn thi đánh giá năng lực theo chương trình mới
Năm nay, lứa đầu tiên hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc Phổ thông Trung học sẽ chính thức bước vào kỳ tuyển sinh Đại học. Chương trình học thay đổi, đồng nghĩa với việc các kỳ thi cũng điều chỉnh để phù hợp với sĩ tử.
Các chuyên gia tư vấn về bí quyết vượt qua kì thi đánh giá năng lực cho các bạn học sinh |
Buổi talkshow có sự tham gia của các thầy cô giàu kinh nghiệm trong việc dạy ôn thi. Đó là thầy Nguyễn Minh Thuyết - giáo viên môn Vật lý, chuyên gia tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp TSA (kỳ thi ĐGNL của ĐH Bách Khoa); cô Nguyễn Thanh Hương - giáo viên môn tiếng Anh đã có 15 năm kinh nghiệm ôn thi THPT quốc gia.
Bên cạnh đó là cô Nguyễn Vũ Trà My - giáo viên môn Sinh học từng là Thủ khoa khối B00 của ĐH Sư phạm Hà Nội; thầy Trần Văn Tài - giáo viên môn Địa lí với 8 năm kinh nghiệm ôn thi; cô Đỗ Ngọc Linh từ team Quốc Sử Quán - giáo viên môn Lịch sử từng nhiều lần đạt giải học sinh giỏi Lịch sử cấp thành phố và quốc gia; thầy Nguyễn Ngọc Anh - giáo viên môn Hóa học đã có 19 năm kinh nghiệm giảng dạy và từng đạt 3 HCV Olympic Hóa học Australia dành cho các trường chuyên cả nước.
Gần 300 học sinh tham dự chương trình đã đưa ra nhiều câu hỏi về ôn thi ĐGNL, chủ yếu xoay quanh sự đổi mới của đề thi theo chương trình học, làm thế nào để cân bằng thời gian ôn thi ĐGNL với ôn thi THPT quốc gia.
“Với kỳ thi ĐGNL, ưu điểm là có thể thi nhiều lần và tăng cơ hội xét tuyển, nhưng có nhiều bạn chưa thể tận dụng thời gian và tìm được phương hướng ôn thi đúng cách. Điều này rất quan trọng, vì thi ĐGNL phải thi cả kiến thức lớp 10, 11, 12.
Khi chúng ta luyện đề, bạn phải “đọc vị”, “mổ xẻ” xem kiến thức lớp 12 trong đề là những gì, kết hợp để vừa ôn thi ĐGNL vừa ôn thi THPT quốc gia. Còn lại là kiến thức lớp 10 và 11, ta ôn một khối lượng vừa phải vì chiếm % không lớn trong đề” - cô Ngọc Huyền LB chia sẻ về môn Toán. Cô cho rằng nếu các bạn học sinh muốn đạt điểm cao thì cần phải nhìn rõ xem mình yếu ở chỗ nào và tập trung ôn luyện nhiều lần.
Thầy Thuyết - chuyên gia tư vấn tuyển sinh của kỳ thi TSA nhận thấy có 3 yếu tố quan trọng mà một bạn học sinh cần nắm được trong quá trình ôn thi, đó là sử dụng sơ đồ tư duy để tìm ra điểm yếu, tìm lộ trình học phù hợp để bổ sung điểm yếu đó và luyện đề nhưng đề thi phải lựa chọn ra sao cho “đúng”, “trúng” lại là một câu hỏi khó với các bạn học sinh, vì có quá nhiều tài liệu học tập.
“Có những bạn lưu rất nhiều tài liệu, chỗ nào cũng xin nhưng các bạn phải nhớ rằng chương trình phổ thông mới khác trước rất nhiều, cả kiến thức lẫn dạng bài. Vậy nên phải chọn lọc tài liệu, lộ trình phù hợp, chuẩn chương trình mới nhất thì làm nhiều mới có hiệu quả.
Ví dụ môn Hóa, lượng kiến thức cho 2 kỳ thi tuyển sinh là tương đương nhưng cách ra đề khác nhau, như HSA (kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội) sẽ thiên về thực tế, ít tính toán hơn, cần kiến thức thực tiễn và liên kết vận dụng.
Các bạn phải chọn trúng tài liệu và lộ trình học phù hợp để có kiến thức cốt lõi, nắm bắt xu hướng ra đề mới không bỡ ngỡ khi gặp những cách ra đề khác nhau ở cả 2 kỳ thi” - thầy Ngọc Anh khuyên nhủ.
Cô Ngọc Huyền LB chia sẻ về môn Toán |
Đặc biệt ở những môn Khoa học Xã hội, không có công thức để học và áp dụng, teen 2K7 lại càng cần lộ trình học phù hợp. Thầy Tài đánh giá: “Môn Địa lí không quá khó cũng không quá dễ, nếu học đúng cách thì bạn có thể ôn nhanh chóng, ngắn gọn và đạt kết quả cao nhất. Ví dụ, phần câu hỏi lớp 10 chỉ có 2 câu rất cơ bản, ta có thể ôn một lượng thời gian và kiến thức vừa phải. Ngược lại, kiến thức lớp 12 chiếm tỷ trọng lớn, ta ôn chú trọng. Chúng ta phải học hiểu chứ không học thuộc, bám chuẩn phạm vi kiến thức trong đề thi để đạt kết quả cao”.
Năm nay là năm đầu tiên môn tiếng Anh xuất hiện trong bài thi HSA, vừa là cơ hội nâng điểm cho thí sinh và cũng vừa là điểm khó. “Với 50 câu hỏi, bao gồm những câu kiểm tra tư duy, năng lực ngoại ngữ thực sự của học sinh đòi hỏi các bạn phải hiểu, phải cảm nhận ngôn ngữ thay vì chỉ học mẹo nhằm đối phó, hoặc chỉ nắm được nghĩa cơ bản và sử dụng đơn lẻ.
Đặc biệt, những câu cuối cùng của từng dạng bài là câu nâng cao, phải hiểu bản chất, giữ cho bản thân có sự cởi mở và khao khát học cái mới để tăng tính từ vựng, cách dùng từ”, cô Hương gợi ý về môn tiếng Anh.
Có thể thấy, với 8 môn học trong kỳ thi ĐGNL, điều quan trọng nhất là teen phải tìm ra một lộ trình học phù hợp giúp các bạn ôn nhanh gọn nhưng hiệu quả nhất.