Chuyển đổi số trong giáo dục Hà Nội: Nhìn từ cách làm của các quận “đầu tàu”
Hiện đại hóa giáo dục
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết: Trong những năm qua, giáo dục Ba Đình đã tích cực triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá và đạt được những thành tựu đáng kể.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng nổ và có những diễn biến phức tạp, giáo dục Ba Đình là đơn vị hàng đầu trong chuyển đổi số (sử dụng phần mềm quản lí vận hành, xây dựng các lớp định hướng STEM, xây dựng trường học trực tuyến...); Lấy việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là giải pháp hiệu quả hàng đầu để học sinh “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.
Với sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý và giáo viên, chỉ trong 2 năm, thứ hạng giáo dục quận đã tăng từ vị trí thứ 17 lên thứ 6, năm học 2021-2022 đã vượt lên đứng thứ 3 trong số 30 quận huyện trên toàn thành phố Hà Nội. Kết quả này cũng phản ánh hiệu quả của quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành GD&ĐT quận Ba Đình.
Từ những nền tảng về cơ sở hạ tầng và kĩ năng công nghệ thông tin được tích lũy, rèn luyện từ trước, ngành giáo dục Hoàn Kiếm đã tiên phong trong công tác CĐS để thích ứng với việc dạy học thời công nghệ.
Bà Nguyễn Diệu Ánh - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm khẳng định: Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS, ngành GD&ĐT quận đã hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa đảm bảo chất lượng dạy và học.
Theo đó, chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được duy trì ổn định. Tính riêng năm học 2021 - 2022, kết quả thi vào lớp 10 THPT đứng thứ 3/30 quận huyện của toàn thành phố. Tham dự các cuộc thi dành cho cấp tiểu học và trung học cơ sở, các em đã đạt tổng cộng 635 giải, trong đó có 110 giải cấp thành phố, 334 giải cấp quốc gia, 191 huy chương quốc tế.
Hiện, ngành Giáo dục quận tiếp tục tăng cường giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin; Thúc đẩy CĐS, tạo đột phá trong quản trị nhà trường, thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa các trường trong quận; Tiếp tục xây dựng mô hình trường học điện tử, trường học thông minh; Phát triển và nâng cao chất lượng kho học liệu điện tử.
Là một trong những quận đứng top đầu về chất lượng dạy và học, ngành GD&ĐT Cầu Giấy cũng coi CĐS là thách thức song cũng là cơ hội để bứt phá.
Không gian lưu trữ hồ sơ của giáo viên trường Tiểu học Quan Hoa, Cầu Giấy |
Mô hình thi đua “Chuyển đổi số trong công tác quản lý trường học” của quận đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Theo đó, 100% giáo viên các cơ sở giáo dục được tập huấn sử dụng công nghệ thông tin trong công việc, mỗi giáo viên có một không gian riêng để lưu trữ, số hóa hồ sơ giáo viên như: Kế hoạch bài dạy, sổ theo dõi học sinh, lưu đề kiểm tra, phiếu bài tập...
Mỗi lớp học có một không gian riêng để tương tác giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh, lưu trữ tài liệu của lớp mình; Mỗi tổ chuyên môn cũng có không gian lưu trữ, có thể lưu các cuộc họp chuyên môn. Nhà trường có phòng hội đồng sư phạm để tổ chức các hoạt động trực tuyến. Mỗi nhà trường có không gian lưu trữ hồ sơ theo cây thư mục Phòng GD&ĐT hướng dẫn.
Thực tế, nhiều trường có mô hình hay như THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, THCS Nam Trung Yên với nền tảng Teams, TH&THCS FPT, THCS Mai Dịch với Google Classroom.
Nhiều trường ngoài công lập đã xây dựng phần mềm riêng cho trường mình như TH Nguyễn Siêu, THCS&THPT Nguyễn Siêu, THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS Lương Thế Vinh, không chỉ đưa vào việc dạy học mà còn quản lí những mảng khác như bán trú, xe đưa đón học sinh...
Với mô hình chuyển đổi số, việc quản lí của các nhà trường được tiến hành thường xuyên, liên tục, đạt hiệu quả. Trên nền tảng các mô hình đồng bộ của các nhà trường, Phòng GD&ĐT dễ dàng triển khai các hoạt động quản lý. Công tác kiểm tra chuyên đề với chuyên đề tập trung vào việc xây dựng mô hình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến... được triển khai dễ dàng.
Từ hiệu quả của CĐS trong giáo dục, ngành GD&ĐT Cầu Giấy tiếp tục ghi dấu ấn với thành tích năm thứ 14 dẫn đầu thi vào lớp 10 THPT, xếp thứ nhất thành phố về thi Học sinh giỏi các môn văn hóa và khoa học lớp 9, hoàn thành xuất sắc 13/13 chỉ tiêu thi đua của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Giải pháp tiếp tục phát huy hiệu quả CĐS
Nhằm hiện đại hóa Thủ đô Hà Nội, ngay từ 9/2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4098/QĐ-UBND phê duyệt chương trình CĐS thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình bao gồm một trong những lĩnh vực quan trọng là CĐS trong giáo dục.
Trong lĩnh vực giáo dục, Hà Nội xác định CĐS với nhiệm vụ: Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa; Ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; Số hóa tài liệu, giáo trình; Xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến
Bên cạnh đó, thành phố cũng phát triển công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa thông qua hai hình thức: Phát triển hệ tri thức phổ thông được cập nhật cùng với kho học liệu mở và phát triển mạng giáo dục Hà Nội trên cơ sở mở rộng và nâng cấp hệ thống quản lý ngành giáo dục điện tử hiện có. Điều này cho phép kết nối hiệu quả học sinh - giáo viên - phụ huynh - các cơ sở GD&ĐT - các nhà quản lý giáo dục trong một môi trường học thuật và sư phạm.
Các đại biểu tham quan, trải nghiệm sản phẩm công nghệ tại ngày hội công nghệ thông tin ngành Giáo dục quận Ba Đình |
Thực tế cho thấy, các cấp giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội đã thích ứng nhanh trước yêu cầu của CĐS và mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác dạy và học. Điều đó thật sự “bứt phá” khi Hà Nội cùng cả nước vượt qua đại dịch COVID-19, thực hiện tốt chủ trương “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học” của Bộ GD&ĐT.
Minh chứng rõ ràng nhất được thể hiện ở top những đơn vị giáo dục luôn đảm bảo chất lượng cao trong dạy và học là Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Ba Đình.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hiệu quả CĐS trong ngành GD&ĐT Thủ đô đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp trong tình hình mới. Theo TS Bùi Thị Huế, TS Bùi Đức Thịnh, TS Vũ Thị Tuyết Lan (trường Đại học Lao động - Xã hội): CĐS trong cơ sở giáo dục cần được xem là giải pháp lâu dài mang tính chiến lược, gắn với những cải cách mạnh mẽ, triệt để trong giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo; Không phải là giải pháp tình huống ứng phó với COVID-19.
Trong CĐS, quan trọng nhất không phải công nghệ, cũng không phải là đầu tư kinh phí mà là quyết tâm chính trị cao nhất của người đứng đầu cơ sở giáo dục và nhận thức sẵn sàng thay đổi của đội ngũ giáo viên trong các nhà trường.