Chuyển đổi số hệ sinh thái du lịch - xu hướng tất yếu
Thay đổi để sống sót
Thực tế chuyển đổi số đã phát triển ở nhiều nước và đang tạo sức lan tỏa đến thị trường Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng thích ứng rất nhanh ở lĩnh vực chuyển đổi số. Các thống kê cho thấy số hóa và cơ sở dữ liệu là một trong những xu thế phát triển mạnh mẽ trong ngành du lịch, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Chuyển đổi số hệ sinh thái du lịch đang là hướng đi sáng tạo giúp ngành du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển |
Đầu năm 2021, dự án Google Arts & Culture - Kỳ quan Việt Nam ra đời, đánh dấu lần đầu tiên du lịch Việt Nam xuất hiện trên nền tảng trực tuyến nổi tiếng Google Arts & Culture - nơi đặt các bộ sưu tập của trên 2.000 bảo tàng trên thế giới; Nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật, văn hóa, lịch sử các quốc gia.
Tiếp đó, chương trình truyền thông hình ảnh du lịch Việt Nam trên nền tảng YouTube do Trung tâm Thông tin du lịch thực hiện có tên “Việt Nam: Đi Để Yêu!” được ra mắt với sự hưởng ứng tham gia của nhiều nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng.
Thông qua các nền tảng số này, những thế mạnh nổi bật của du lịch Việt Nam như di sản, văn hóa, ẩm thực, cảnh quan… đã được quảng bá rộng rãi đến đông đảo người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Điều này rất phù hợp trong bối cảnh làn sóng công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, cũng như tình hình mới do ảnh hưởng của Covid-19, việc tìm kiếm thông tin trên các nền tảng trực tuyến sẽ là một xu hướng chủ đạo.
Nhiều ứng dụng, dự án, chương trình du lịch áp dụng chuyển đổi số để làm nổi bật những thế mạnh của du lịch Việt Nam |
Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp làm du lịch đã phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh vì không đủ nguồn lực duy trì, nhân sự trong ngành cũng chuyển hướng sang những ngành nghề, lĩnh vực khác. Dù vậy, vẫn có những công ty và các cá nhân sẵn sàng chờ đợi, áp dụng chuyển đổi số, xây dựng các sản phẩm mới phù hợp với tình hình cũng như xu thế phục hồi của du lịch.
Trong thời điểm khó khăn vì đại dịch Covid-19, công ty du lịch PoemTravel đã chuyển sang lĩnh vực kinh doanh thực phẩm để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, với mục tiêu và tôn chỉ chính của công ty vẫn là phát triển mảng lữ hành, PoemTravel vẫn đang nỗ lực chuẩn bị cho tương lai sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Thời gian qua, PoemTravel tập trung tương tác với cộng đồng để nắm bắt tâm lý, hành vi, nhu cầu bằng các chương trình khảo sát thị trường, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp sau khi dịch lắng xuống.
Các thuật toán dưới mỗi bài khảo sát sẽ cho thấy khách hàng của công ty thường xuyên tìm hiểu dịch vụ vào thời gian nào trong ngày, xu hướng tìm hiểu của họ là gì, giúp công ty bố trí nhân viên tư vấn trực vào thời gian này để sẵn sàng khi khách hàng có nhu cầu. Nhờ đó, khi không bán tour du lịch, công ty có thể cung cấp dịch vụ như thuê xe, đặt tiệc, tổ chức sự kiện...
Nhiều công ty du lịch tạm thay đổi định hướng kinh doanh và chờ đợi thời cơ để bùng nổ mạnh mẽ (Ảnh tư liệu) |
"Thị trường du lịch đóng băng cũng là dịp để công ty đầu tư kỹ hơn vào việc chuyển đổi số. Khi dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động du lịch được nối lại, các phần mềm chúng mình đã sử dụng trong suốt thời gian qua sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp doanh nghiệp có thể tối ưu hóa các nguồn lực; Đồng thời, giúp khách hàng tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng hơn với các sản phẩm của công ty”, chị Nguyễn Thảo Nguyên, CEO của PoemTravel cho biết.
Cơ hội để bùng nổ
Trần Bảo Toàn (27 tuổi) là hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh chuyên về lữ hành quốc tế. Gần 2 năm vừa qua, khi khách nước ngoài gần như không đến Việt Nam, Bảo Toàn và nhiều đồng nghiệp rơi vào cảnh thất nghiệp nhưng không vì thế mà chàng trai 27 tuổi chán nản hay có ý định từ bỏ ngành du lịch.
Không muốn để thời gian trôi qua một cách vô ích, giữa tháng 6/2021, Bảo Toàn quyết định dành thời gian nghiên cứu thông tin trên mạng và tìm hiểu về một nền tảng nền tảng trải nghiệm trực tuyến cho phép người dùng tổ chức những hoạt động online. Đây là một hình thức làm du lịch ứng dụng công nghệ số, có khả năng mang lại giá trị trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhờ áp dụng những lợi ích của chuyển đổi số, Bảo Toàn đã tìm được cho mình hướng đi mới đầy sáng tạo trong cách làm du lịch (Ảnh minh họa) |
Sử dụng gần hết số tiền tiết kiệm để mua máy ảnh, chân máy chống rung, micro chống ồn cùng những dụng cụ cần thiết, chàng trai trẻ bắt tay vào hành trình truyền tải từng cung đường đi lại, từng món ăn đặc sản, từng nét văn hóa tại mỗi vùng đất mình đặt chân đến cho các khách hàng qua “màn ảnh”.
Mỗi tour như này thường được anh thiết kế trong khoảng từ 1 giờ đồng hồ cho đến 1,5 giờ đồng hồ. Trên Airbnb, trang bán tour của anh nhận được nhiều đánh giá tích cực với 4,95/5 sao. Du khách thích thú với cách trò chuyện dí dỏm của anh và hơn hết là những kiến thức về văn hóa, lối sống đằng sau những câu chuyện về cuộc sống và con người tại Việt Nam.
Tour du lịch của Bảo Toàn chủ yếu thu hút du khách nước ngoài từ các thị trường xa như Châu Âu, Châu Mỹ, Australia… Có những tour quy định mức phí cố định nhưng cũng có tour được tổ chức miễn phí, hướng dẫn viên chỉ nhận tiền tip từ khách tham gia. Bảo Toàn cho biết, trung bình mỗi tour thường có từ 7 đến 10 khách, ngoài ra có tour tổ chức cho từ 40 đến 50 khách.
Sự thay đổi trong cách làm du lịch này đã giúp cho Bảo Toàn vừa có thu nhập để trang trải cuộc sống, vừa tìm ra định hướng mới phù hợp với bối cảnh thực tế để theo đuổi đam mê làm du lịch của mình. Trong cơn bão Covid-19, đây là cách làm sáng tạo khi vừa bảo đảm an toàn phòng dịch, vừa đáp ứng nhu cầu du lịch bị kiềm chế khá lâu của du khách.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số sẽ giúp ngành du lịch khai thác hiệu quả hơn các giá trị của du lịch Việt Nam (Ảnh tư liệu) |
Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lan tỏa mạnh mẽ, du lịch cũng không thể đứng ngoài cuộc. Quảng bá, phát triển du lịch trên cơ sở chuyển đổi số được coi là tương lai của ngành “công nghiệp không khói”, nhất là trong bối cảnh phải thay đổi để thích nghi với tình hình dịch bệnh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số sẽ giúp ngành du lịch khai thác hiệu quả hơn các giá trị gia tăng từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. Hướng đi này đang càng khẳng định tính ưu việt khi hệ sinh thái và cách thức làm du lịch theo phương thức truyền thống đang có xu hướng chuyển đổi sang môi trường số.