Chính phủ Malaysia sẽ di chuyển bằng xe điện từ năm 2023
Chính phủ Malaysia sẽ bắt đầu thay thế đội xe công vụ sang các loại xe hơi thuần điện từ năm 2023. Điều này đã được Bộ trưởng Môi trường và Nước (KASA) Datuk Seri Tuan Ibrahim Tuan Man tiết lộ.
“Bắt đầu từ năm sau, ôtô điện sẽ nằm trong kế hoạch mua sắm phương tiện di chuyển của chính phủ Malaysia”, ông Tuan Ibrahim cho biết trong một cuộc họp báo diễn ra gần đây.
Tuyên bố của Bộ trưởng về việc áp dụng xe điện của Chính phủ được nêu trong Kế hoạch chi tiết về tính di động các-bon thấp (LCMB), một nghiên cứu được công bố bởi Trung tâm Công nghệ Xanh và Biến đổi Khí hậu Malaysia (MGTC, trước đây gọi là GreenTech) vào năm ngoái.
Cụ thể, nghiên cứu cho rằng việc sử dụng ôtô điện trong đội xe của chính phủ sẽ khuyến khích nhu cầu sử dụng trong người dân, khi họ thấy chính phủ đang làm gương.
Giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch sẽ là thiết lập quá trình mua sắm xe điện cho đội xe của chính phủ thông qua đấu thầu công khai, dự kiến kéo dài cho đến năm 2030. Theo bản kế hoạch trên, 10% lượng xe mới bổ sung vào đội xe hiện tại của Chính phủ Malaysia trong năm đầu tiên sẽ là ôtô chạy điện dùng pin. Tỷ lệ này sẽ được tăng lên thành 20% trong hai năm tiếp theo.
Vị bộ trưởng cũng tiết lộ kế hoạch lựa chọn Langkawi và Putrajaya làm thí điểm quá trình điện khí hóa các phương tiện di chuyển của người dân: “Chẳng hạn như ở Langkawi, chúng tôi có thể tặng 100 xe máy điện cho người dân để đổi lấy xe đạp cũ của họ. Ý tưởng của chúng tôi là sử dụng các hòn đảo nghỉ dưỡng như một dự án thử nghiệm”
Các đảo có diện tích nhỏ nhưng tập trung nhiều dân cư như Langkawi là địa điểm tuyệt vời để Chính phủ Malaysia thử nghiệm tính hiệu quả của các dự án về phát triển xe điện tại quốc gia này.
Đối với Putrajaya, Bộ trưởng cho biết Chính phủ Malaysia đang xem xét việc biến nơi này thành một thành phố không có carbon và sẽ tăng việc sử dụng xe điện tại hòn đảo xinh đẹp này.
“Chi tiết của kế hoạch vẫn chưa được quyết định. Hiện tại, Malaysia vẫn chưa có nhiều lựa chọn xe điện trên thị trường. Do vậy, chi phí ban đầu sẽ tương đối cao. Tuy nhiên một khi nhu cầu được gia tăng, chi phí sẽ trở nên dễ chịu hơn”, ông Tuan Ibrahim - người đứng đầu KASA cho hay.
Hiện nay, các trạm sạc tại Malaysia vẫn còn khá ít và chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu người dân nếu nhu cầu về xe điện tăng cao hơn trong thời gian tới. Bộ máy lãnh đạo tại quốc gia này đang đàm phán với các bên liên quan để thực hiện việc nhanh chóng phủ sóng trạm sạc đồng bộ tại đất nước này.
Tham khảo: Paultan