Chiến thắng ngày 30/4/1975 Dư âm còn mãi trong lòng bạn bè quốc tế
Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng xe tăng 4 (cầm cờ, phía trước) cùng 3 chiến sĩ của Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, trưa 30/4/1975 (Ảnh: TTXVN)
Bước ngoặt lịch sử
Chiến thắng ngày 30/4/1975 của Việt Nam đã làm chấn động địa cầu bởi kẻ thù của Việt Nam lúc đó là cường quốc hùng mạnh nhất thế giới. Chiến thắng này đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm.
Sự kiện còn có ý nghĩa trọng đại không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn với cộng đồng thế giới. Đây cũng được đánh giá là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.
Ngay tại thời điểm đó và đến cả những năm sau này khi nhắc đến đại thắng mùa xuân năm 1975, báo chí và dư luận quốc tế đã dành nhiều bình luận ca ngợi sự kiên cường, anh dũng của quân và dân Việt Nam.
Một ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, hãng tin Pháp AFP ngày 1/5/1975 có bài viết với tựa đề: “Trong năm 1975, nổi bật nhất Châu Á là sự kiện 30/4 của Việt Nam, cơn dư chấn rung động địa cầu”.
Nhân dân miền Nam tiến sát Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn khi những tên lính cuối cùng tháo chạy khỏi Việt Nam ngày 29/4/1975 (Ảnh: AP) |
Những năm sau khi nhắc lại chiến thắng vẻ vang của Việt Nam, hãng AFP vẫn nhấn mạnh sự kiện này có ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực và thế giới trong tương lai gần. Đây là những khoảnh khắc trung thực của chiến tranh, hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại hãy làm hết sức mình để không xảy ra một cuộc chiến tương tự.
Với tựa đề “Sài Gòn sụp đổ”, tờ New York Times ngày 1/5/1975 chạy tít lớn suốt 8 cột trang nhất kèm theo hàng loạt tin, ảnh về sự sụp đổ của chính quyền ngụy và chiến thắng của lực lượng cách mạng. Theo nội dung bài viết, ngày 30/4/1975 là ngày “lịch sử của thế giới”.
Bên cạnh các tờ báo lớn, hầu hết các chương trình truyền hình ở Mỹ tại thời điểm lúc bấy giờ đều phát những đoạn phim về cuộc di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn và các tin về giây phút cuối cùng của chế độ được gọi là Việt Nam Cộng hòa.
Một phóng viên của hãng Reuters đã chứng kiến giấy phút lịch sử đó kể lại: “Là phóng viên chiến trường có mặt tại Phủ Tổng thống lúc đó, tôi chứng kiến chiếc xe tăng đi đầu của quân giải phóng húc đổ cột bằng thép vững chắc và cán cờ ngụy rơi xuống đất, rồi vượt qua. Tiếp sau gần 10 xe tăng khác nhanh chóng tiến vào theo. Bộ đội Chính phủ cách mạng tỏa ra khắp khu vực Phủ Tổng thống. Lính gác Nam Việt Nam lập tức giơ tay xin hàng và tập hợp thành hàng ngũ chờ lệnh mới. Cờ Chính phủ cách mạng lâm thời tung bay trong không khí chiến thắng ở lan can tầng hai ngay cả trong khi lá cờ của chế độ ngụy quyền vẫn còn trên nóc mái nhà”.
Với sự khâm phục và kính nể, tờ Asahi Shimbun của Nhật số ra ngày 1/5/1975 cũng có bài viết với nhan đề: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng. Điều đó có thể khẳng định, thời mà các nước lớn dùng sức mạnh để bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt”.
Sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình
Chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới chống cuộc chiến tranh bạo tàn của đế quốc Mỹ.
Tại Mỹ, khi chiến tranh tại Việt Nam tiếp tục leo thang, phong trào phản chiến phát triển mạnh mẽ. Đây là các phong trào phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Nhiều cuộc biểu tình tại Mỹ đã bị đàn áp bằng bạo lực.
Trong đó, sự kiện ngày 21/10/1967, tại Mỹ hàng nghìn người biểu tình đổ xuống đường là biểu hiện cho thấy sự ủng hộ yếu ớt của người Mỹ đối với cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Cuộc tuần hành đó có ít nhất 100.000 người tham gia. Sự kiện lúc đó được miêu tả là các đám đông tập trung và họ đứng dọc bờ hồ phản chiếu (trước tòa nhà Quốc hội Mỹ). Có cả các bà nội trợ, cựu chiến binh nhưng phần đông là sinh viên và học sinh.
Khoảng 50.000 người biểu tình sau đó hướng về phía Lầu Năm Góc. Những người biểu tình tham gia không có kế hoạch định sẵn. Nhiều người đã dỡ hàng rào trong khi cảnh sát ra mặt cản họ. Cảnh sát dùng hơi cay và báng súng để đẩy lui đám đông.
Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Ảnh: AP) |
Đến cuối chiều hôm đó, người biểu tình vượt qua hàng rào và đẩy lực lượng hành pháp trang bị súng trường vào sâu bên trong, chỉ cách tòa nhà chính 18m.
Trong khi cảnh sát cầm các khẩu súng trường ngắm ở góc 45 độ thẳng vào đầu những người biểu tình, thì trong đám đông có một nam thanh niên tiến về phía trước, tay cầm theo bó hoa. Đột nhiên, anh ta đặt bông hoa vào nòng khẩu súng trường đang nhắm vào đầu mình và tất cả mọi người ở hai phía đều bỏ vũ khí. Khoảnh khắc đặt bông hoa lên họng súng đó đã được ghi lại và lan truyền trên truyền thông, tạo ra một khoảnh khắc lịch sử lúc bấy giờ.
Các cuộc thăm dò được thực hiện sau đó cũng cho thấy lần đầu tiên sự ủng hộ của người Mỹ đối với cuộc chiến vô cùng thấp...
Đã 45 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng 30/4/1975 vẫn mãi mãi là mốc son chói lọi không thể phai mờ trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Việt Nam đã vượt qua những khó khăn thách thức, đang hướng tới tương lai, hội nhập và không ngừng phát triển. Chiến thắng vang dội của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn là niềm tự hào, là động lực để nhân Việt Nam tiếp tục tiến lên trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài liên quan
Góp sức trẻ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Người trẻ với trọng trách tiếp bước truyền thống cha ông
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua góc nhìn của người trẻ