Chế phẩm sinh học biến gốc rơm rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh
Tiết kiệm thời gian, công sức và kinh phí
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ do đó Công ty TNHH Công nghệ sạch Nông nghiệp (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) không ngừng nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất các dòng sản phẩm sinh học, vi sinh, hữu cơ vi sinh ứng dụng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng năng suất cao, chất lượng, an toàn và bền vững.
Sau một thời gian nghiên cứu, ứng dụng, chế phẩm sinh học biến gốc rơm rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh đã ra đời. Đáng nói, chế phẩm sinh học xử lý nhanh rơm rạ là một trong những sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn.
Chia sẻ lý do công ty bắt tay vào nghiên cứu chế phẩm này, ông Trịnh Quốc Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sạch Nông nghiệp cho biết: Với nền tảng hơn 10 năm nghiên cứu và ứng dụng các sản phẩm vi sinh nói riêng sản phẩm sinh học nói chung trong nông nghiệp, công ty đã nghiên cứu, phân lập, tuyển chọn trên thực địa trong điều kiện Việt Nam được các chủng vi sinh vật có hoạt lực cao, phù hợp, thích nghi với điều kiện thực tiễn.
Xác định đây là đề tài mang tính ứng dụng thực tiễn cao, sau thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học của cả hai phía đã cho ra đời sản phẩm là tổ hợp của rất nhiều chủng vi sinh có tác dụng tương hỗ giúp phân giải nhanh phế phụ phẩm nông nghiệp, xác bã thực vật một cách nhanh chóng. Ngoài ra các chủng vi sinh này khi được đưa vào đất có tác dụng cải tạo đất rất tốt.
Các chế phẩm vi sinh vật của công ty đưa ra thị trường từng bước được người nông dân đón nhận |
“Nhóm vi sinh vật này của chúng tôi bao gồm 11 chủng vi sinh vật có ích. Các vi sinh vật này là các chủng nấm, vi khuẩn và xạ khuẩn có lợi. Chúng tạo ra các loại enzymes như: celluloza, amylaza, hemcellulaza, lignin và proteaza… giúp phân giải nhanh các chất hữu cơ thành các dạng dễ hấp thu cho cây trồng, rút ngắn thời gian ủ phân và giảm ô nhiễm môi trường”, ông Bình chia sẻ.
Ông Bình cho biết thêm, công ty áp dụng công nghệ vi sinh vật trong dự án rất hiện đại và phù hợp cho việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững đang được Hà Nội và các địa phương ưu tiên phát triển.
Theo đó, chế phẩm vi sinh vật có mật độ vi sinh vật hữu ích cao, bao gồm các chủng vi sinh vật có lý lịch khoa học rõ ràng và được định danh, kiểm tra mức độ an toàn sinh học theo qui định của quốc tế và được các nhà khoa học nghiên cứu, có khả năng thích nghi cao với điều kiện sinh thái và tự nhiên của Việt Nam, đảm bảo tính ổn định về hoạt tính sinh học và an toàn với môi trường, vừa có khả năng xử lý nhanh rơm rạ trên đồng ruộng.
Ông Bình khẳng định, chế phẩm vi sinh - sản phẩm của dự án có tính tiên tiến và nhiều ưu điểm hơn các sản phẩm khác, tan trong nước, mật độ vi khuẩn cao, chế phẩm nhẹ, dễ vận chuyển. Theo đó, người nông dân không phải thu gom rơm rạ, chỉ phun trực tiếp vào rơm rạ, thời gian phân hủy nhanh hơn từ 7- 10 ngày thay vì 30-45 ngày trong mùa hè.
Đặc biệt, rơm rạ được xử lý, công ty tiếp tục áp dụng công nghệ vi sinh vật để sản xuất chế phẩm vi sinh xử lý tại chỗ rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch. Từ đây tạo ra nguồn phân bón hữu cơ sinh học.
“Rơm rạ không còn phải bỏ đi, người nông dân không phải mất công đốt, cắt bỏ. Bà con chỉ cần hòa sản phẩm vào bình phun, và phun trực tiếp nên gốc rạ, sau đó dùng máy cày lật vùi gốc rạ xuống, rồi lấy nước vào ngập mặt ruộng (không phải cắt gốc rạ). Chỉ sau 7 - 10 ngày có thể cấy, xạ ngay được. Như vậy người nông dân chỉ mất khoảng 15 phút để xử lý cho 1 sào Bắc Bộ và chờ 7 -10 ngày”, ông Bình nói.
Điều đặc biệt, giá thành chế phẩm sinh học này khá rẻ, chỉ với 30.000 đồng mua chế phẩm sinh học, bà con đã xử lý được 1 sào Bắc Bộ giúp xử lý nhanh rơm rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh, chuyển vụ nhanh, tiết kiệm phân bón, chống ngộ độc hữu cơ, hạn chế bệnh hại, tăng năng suất.
Điều này vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo vệ môi trường đồng thời giúp người nông dân Thủ đô và các tỉnh, thành chuyển vụ nhanh, giúp rơm rạ thành phân hữu cơ tiết kiệm phân bón khác, chống ngộ độc hữu cơ cho cây lúa, giảm bệnh và sâu hại”, ông Bình bật mí.
Tiếp tục hoàn thiện công nghệ
Hiện, công ty đã làm chủ được công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật nhằm biến rạ thành phân bón hữu cơ sinh học. Sản phẩm đưa ra thị trường từng bước được người nông dân Thủ đô và các địa phương lân cận đón nhận.
Chế phẩm sinh học biến gốc rơm rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh |
Để có được những kết quả này, ông Bình cho biết có sự hỗ trợ rất lớn từ VCIC - Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp đã được VCIC đào tạo, tư vấn về phương phát quản lý và vận hành doanh nghiệp, quản lý sản xuất, kinh doanh, quản lý sản xuất được tốt hơn. Qua các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý, ISO, xu thế hội nhập…
“Ngoài ra, với sự hỗ trợ từ VCIC doanh nghiệp tiếp cận được các kênh truyền thông , các kênh hỗ trợ quảng bá marketing, hội chợ xúc tiến thương mại. Sản phẩm xử lý phế phụ phẩm nói riêng, cùng các sản phẩm sinh học của công ty sản xuất ra đã được nhiều đơn vị, người tiêu dùng biết đến đề nghị hợp tác, tìm hiểu và sử dụng sản phẩm nhằm sản xuất ra nông sản có giá trị, an toàn, bền vững.
Công ty được hỗ trợ về các phương tiện truyền thông như sổ tay sản phẩm, tờ rơi, poster và các lớp tập huấn nông dân; Để người nông dân biết về sản phẩm, về hiệu quả, cách sử dụng sản phẩm”, ông Bình thông tin.
Từ những hỗ trợ thiết thực đó, sau một năm, số lượng đối tác quan tâm tới sản phẩm cũng tăng lên 20 - 30%, sản lượng cung ứng ra thị trường đối với sản phẩm xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp tăng 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nói về kế hoạch trong tương lai, ông Bình cho biết doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện công nghệ sản xuất để nâng cao năng suất cung cấp cho thị trường những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học: Thuốc trừ nấm sinh học, trừ sâu sinh học, trừ tuyến trùng sinh học; phân bón hữu cơ vi sinh… nhu cầu ngày càng nhiều và cấp thiết. Các sản phẩm này như một đầu vào tiêu chuẩn để sản xuất ra nông sản năng suất cao, chất lượng tốt, tuyệt đối an toàn và canh tác bền vững.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019. Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg |