Chặn biến thể Delta cần “tấm khiên” ý thức
Tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ lây nhiễm chỉ còn 2 ngày
Tính đến hết ngày 15/8, Việt Nam đã công bố tổng số 275.044 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 78/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.798 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 271.037 ca, trong đó có 99.730 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Đáng nói, số người mắc Covid-19 tử vong hiện đã lên tới 5.437 trường hợp, chiếm tỷ lệ 2,05% trên tổng ca nhiễm. Theo các chuyên gia, chủng Delta với tốc độ lây rất mạnh, gây quá tải y tế và khiến diễn biến bệnh nhanh hơn là nguyên nhân chính cho sự nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch này.
Chủng Delta của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đổi tên biến thể này thành Delta để đơn giản hóa tên khoa học B.1.617.2 ban đầu. Tới nay, chủng virus này đã xuất hiện tại gần 140 quốc gia trên thế giới.
TP Hà Nội mở đợt cao điểm lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho khu vực và nhóm người nguy cơ cao |
Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hiện đang lưu hành 7 biến thể của virus SARS-CoV-2. Riêng đợt dịch thứ tư, nước ta ghi nhận 2 chủng là Delta và Alpha (B.1.1.7, lần đầu tiên phát hiện tại Anh). Trong đó, biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh, được WHO xếp vào nhóm "biến thể gây quan ngại", khả năng lây truyền cao hơn 50% so với biến thể Alpha (khả năng lây nhiễm của chủng Alpha cao hơn 60-70% so với chủng ban đầu).
Nhận định về biến thể Delta trong đợt dịch này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Biến thể Delta gây bùng phát đợt dịch này lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với các đợt dịch trước. Virus biến thể có tốc độ bám dính với tế bào vật chủ, khả năng nhân lên nhanh với số lượng lớn trong tế bào, từ đó dẫn đến việc phá hủy tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn. Đặc biệt, chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây tính toán.
Việc biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh, đã gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Do đó, việc chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị do đó trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các nước trên thế giới đều cảnh báo không thể chủ quan với chủng Delta đang phá vỡ và đảo lộn tất cả thành tựu chống dịch.
Theo các chuyên gia y tế, virus lây mạnh trong môi trường kín như trong nhà, khu vực tập trung đông người, nhà máy, xí nghiệp, quán ăn uống. Đặc biệt, ở môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí và dễ phát tán, làm tăng khả năng lây lan. Điều này có thể thấy rõ ở những ổ dịch trong nhà máy, khu công nghiệp, quán bar hay phòng karaoke, xe ô tô…
Cần có chiến lược để đối phó với biến thể Delta
Để đối phó với chủng Delta, các chuyên gia y tế thế giới đều thống nhất rằng cần phải tiêm đủ hai mũi vắc xin, đồng thời tăng độ che phủ của vắc xin trên quy mô dân số để giảm số ca mắc và giảm nguy cơ virus tiếp tục đột biến. Cộng đồng người tiêm vắc xin càng lớn, nguy cơ lây nhiễm càng nhỏ.
Cùng với việc đẩy mạnh việc tiêm vắc xin thì biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay vẫn là tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, đeo khẩu trang thường xuyên, ở nơi thông thoáng khí, vệ sinh tay thường xuyên, vệ sinh đường hô hấp và thực hiện quy tắc che miệng khi ho, tránh những nơi đông người và khai báo y tế đầy đủ. Đây được xem là những biện pháp rất quan trọng, kể cả khi người dân đã được tiêm phòng, nhất là ở các địa phương đang có các ca lây nhiễm cộng đồng.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 3082/BTTTT-CBC gửi các Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội về việc tăng cường hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội trên mạng tuyên truyền sinh động về thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa vùng miền; Cập nhật các hướng dẫn, quy định của ngành Y tế, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, kêu gọi người dân xây dựng các hành vi, thói quen, kỹ năng mới phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, các đơn vị tập trung về các nội dung liên quan đến việc tuân thủ thực hiện giãn cách xã hội; Tuân thủ hướng dẫn, cập nhật các quy định về cách ly y tế các trường hợp F0, F1...; Hướng dẫn thông tin tiêm vắc xin phòng Covid-19 và lợi ích của việc tiêm chủng; Hướng dẫn, cảnh báo các hành vi, thói quen, kỹ năng an toàn và mất an toàn bằng nhiều hình thức sinh động, dễ hiểu, dễ lan tỏa, dễ áp dụng để mỗi người, mỗi gia đình hiểu biết thực sự đầy đủ về các biện pháp tự bảo vệ an toàn trong mùa dịch, trong vùng có dịch...
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, cùng với sự xuất hiện của biến thể Delta sẽ góp phần tăng nguy cơ phá vỡ thành tựu chống dịch của thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó, để phòng, chống dịch hiệu quả, cần có sự chung sức, đồng lòng của cả cộng đồng. Biện pháp hiệu quả để ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng hiện nay chính là 5K và tiêm phòng vắc xin.
Trong trường hợp chưa thể tiếp cận vắc xin, người dân nên tuân thủ các hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế, đặc biệt là thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế để ngăn dịch bệnh lây lan mạnh hơn.