Cảnh giác công nghệ AI ghép hình ảnh, mạo danh để lừa đảo
Dùng AI ghép hình ảnh, clip để lừa đảo
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), sáng 23/12 vừa qua, chị N.T.H (sinh năm 1979; ở phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) có nhận được điện thoại video qua Messenger của con trai đang học Đại học ở thành phố Hồ Chí Minh đề nghị chuyển hơn 100 triệu đồng để đóng phí đăng ký du học. Vốn là cán bộ ngân hàng đã được tập huấn, chị H đã không làm theo lời đối tượng.
Qua nắm thông tin về vụ việc lừa đảo nêu trên, Cục An toàn thông tin cho biết, ban đầu, các đối tượng thu thập hình ảnh và video: Tìm kiếm hình ảnh, video từ tài khoản mạng xã hội hoặc các nguồn khác của nạn nhân; tạo video giả mạo: Sử dụng công nghệ AI để ghép khuôn mặt và giọng nói, tạo các cuộc gọi video giả mạo người thân/bạn bè; lừa chuyển tiền: Trong cuộc gọi, đối tượng đưa ra lý do cấp bách như tai nạn, nợ tiền, hoặc cần hỗ trợ tài chính, yêu cầu chuyển tiền ngay vào tài khoản do chúng cung cấp.
Cục An toàn thông tin cảnh báo lừa đảo qua Messenger bằng công nghệ cắt ghép AI |
Không chỉ có chị H, ngày 28/12 vừa qua, Công an tỉnh Lai Châu đã tổ chức họp báo, công bố kết quả đấu tranh triệt phá đường dây lừa đảo xuyên biên giới sử dụng công nghệ cao; bắt giữ 18 đối tượng liên quan.
Các đối tượng lừa đảo đã xây dựng kịch bản tinh vi, với sự chỉ đạo của nhóm người nước ngoài ở Campuchia; trong đó đã sử dụng công nghệ AI để tạo ra video giả mạo bản tin thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1). Trong video này, chúng dàn dựng nội dung một công ty ở Ninh Thuận trúng đấu giá lô xe ô tô nhập lậu thanh lý hải quan, với giá chỉ bằng 1/4 giá thị trường.
Sau đó video được phát tán rộng rãi trên nhiều nền tảng, kết hợp với các tài liệu giả mạo như giấy phép kinh doanh, hợp đồng đấu giá, khiến hàng trăm nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền mua xe.
Cơ quan công an đã thu giữ 29 điện thoại di động, 3 máy tính xách tay cùng nhiều giấy tờ giả mạo. Tổng số tiền giao dịch bất hợp pháp lên đến hàng trăm tỷ đồng, với hơn 200 nạn nhân ở 29 tỉnh, thành trên cả nước.
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo bị cảnh sát bắt giữ |
Qua những vụ việc trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân khi nhận được điện thoại trước tiên phải xác minh thông tin, gọi lại trực tiếp cho người thân qua số điện thoại đã biết để kiểm tra thông tin. Không vội vàng chuyển tiền theo yêu cầu trong cuộc gọi video hoặc tin nhắn trên mạng xã hội.
Cần cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, hạn chế đăng tải hình ảnh, video cá nhân và thông tin nhạy cảm. Điều chỉnh quyền riêng tư để hạn chế người lạ truy cập tài khoản của bạn. Cảnh giác với các tài khoản lạ hoặc dấu hiệu bất thường. Nếu tài khoản của người thân hoặc bạn bè có dấu hiệu bị hack, thông báo ngay cho họ và tránh tương tác.
Mạo danh trường học yêu cầu chuyển tiền
Cùng với thủ đoạn sử dụng AI cắt ghép hình ảnh video, gần đây hàng loạt trường Đại học như Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ ChÍ Minh), Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Đại học FPT,... phát đi cảnh báo về việc đề cao cảnh giác trước các thông tin giả mạo, lừa đảo lên trang thông tin của trường.
Cụ thể, các trường cảnh báo sinh viên đề cao cảnh giác trước các thông tin giả mạo, lừa đảo yêu cầu chuyển khoản dưới dạng trúng tuyển học bổng, yêu cầu đóng khoản phí để được xét duyệt. Có sinh viên đã bị lừa chuyển khoản tới 150 triệu đồng.
Tội phạm lừa đảo mạo danh trường học gửi thông báo đóng học phí, thư mời |
Hay như cảnh báo của trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh được đưa ra sau phản ánh về thư mời họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế ghi là của trường này. Nội dung thư mời chúc mừng và thông báo đến một sinh viên ngành công nghệ thực phẩm về việc đủ điều kiện ghi danh vào khóa học giao lưu sinh viên quốc tế tại Singapore dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc.
Thư mời này còn giới thiệu mức học bổng từ 25% - 100% theo từng tiêu chí. Điều đáng chú ý, phía trên thư mời giả mạo ghi là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhưng ký tên dưới văn bản ghi thừa lệnh hiệu trưởng, trưởng phòng tổ chức hành chính - quản trị và dấu mộc lại hiển thị Sở GD-ĐT.
Trước đó, trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng phát cảnh báo tình trạng giả mạo văn bản nhà trường sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc giả mạo thông tin mời họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế với nội dung: "Chúc mừng sinh viên đủ điều kiện ghi danh vào khóa giao lưu sinh viên quốc tế tại Nhật Bản...", kèm thông tin về các mức học bổng (học tập và sinh hoạt phí) lên đến 100%.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo các sinh viên chỉ thực hiện thanh toán học phí qua các kênh chính thức của trường. Thường xuyên kiểm tra trang web của trường hoặc liên hệ trực tiếp với phòng tài chính để xác nhận thông tin và hướng dẫn cụ thể. Tuyệt đối không chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng không rõ nguồn gốc. Không truy cập vào các liên kết hoặc các tệp đính kèm trong tin nhắn, email hoặc những bài đăng đáng ngờ trên mạng xã hội.
Không chia sẻ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay thông tin thẻ tín dụng qua các phương tiện không bảo mật hoặc với người lạ. Luôn kiểm tra lại thông tin thanh toán, số tài khoản và số tiền cần đóng. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy liên hệ ngay với bộ phận tài chính của trường để xác minh. Nếu phát hiện có hành vi mạo danh hoặc lừa đảo, hãy báo cáo cho nhà trường, các nền tảng mạng xã hội hoặc cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi này và giải quyết kịp thời.