Cảnh giác: 9 chiêu trò lừa đảo phổ biến qua mạng
Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo qua ngân hàng Cảnh giác với "bẫy học online" Cảnh báo “đỏ” từ những đường link “lạ” |
Hack tài khoản Facebook nhắn tin mượn tiền người thân
Đây là chiêu lừa đảo đã quá quen thuộc trong những năm gần đây, các đối tượng lừa đảo thường lập hoặc chiếm đoạt quyền quản trị tài khoản của người nào đó rồi nhắn tin lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền.
Mặc dù chính chủ nhân tài khoản bị hack và nhiều người khác đã đề phòng, song tội phạm này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tự xưng là cơ quan chức năng gọi điện thông báo điều tra
Các đối tượng lừa đảo thường giả danh cán bộ công an, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc giả mạo Cổng thông tin điện tử của Công an để thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra.
Sau đó, khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của bị hại vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp với lý do để phục vụ công tác điều tra rồi chiếm đoạt.
Thông báo trúng thưởng tiền, tài sản có giá trị
Kẻ lừa đảo sẽ gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng xe máy, điện thoại, đồng hồ hoặc tiền mặt… có giá trị lớn. Sau đó, yêu cầu người bị hại nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.
Gửi link giả để đánh cắp thông tin ngân hàng
Thủ đoạn thường thấy là gửi tin nhắn SMS giả mạo của ngân hàng để lừa khách hàng truy cập vào đường link giả, sau đó yêu cầu cung cấp các thông tin bảo mật như tên, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, thông tin thẻ,...
khi có được các thông tin này, đối tượng sẽ rút tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng
Các đối tượng lừa đảo cố ý “chuyển nhầm” một khoản tiền đến tài khoản ngân hàng. Tiếp đó, yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với khoản lãi cắt cổ.
Lợi dụng dịch bệnh để gửi link "độc" hoặc lừa bán thuốc giả
Lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng lừa đảo gửi thư điện tử và tệp đính kèm hoặc liên kết dẫn đến các nội dung về cập nhật tình hình dịch bệnh.
Khi mở tệp đính kèm hay nhấp vào liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc, từ đó để lộ thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn dùng thủ đoạn khác là tung tin giả về các sản phẩm không rõ nguồn gốc nhưng lại có khả năng phòng ngừa vi rút Covid-19 khiến nhiều người cả tin mua hàng.
Kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo
Đây là chiêu trò lừa đảo phát triển rầm rộ trong vài năm gần đây. Các đối tượng lập ra các website đầu tư tài chính, các ứng dụng có giao diện tương tự đầu tư tài chính quốc tế, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia.
Các sàn tiền ảo, đầu tư tài chính này cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn, có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian.
Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì hoặc lỗi không truy cập được, khách hàng không đăng nhập để rút tiền trong tài khoản mới biết mình đã bị lừa.
Nhận quà từ bạn nước ngoài làm quen qua mạng
Các đối tượng lừa đảo tự giới thiệu là người nước ngoài, kết bạn, liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân thông qua mạng xã hội.
Một thời gian nói chuyện, cảm thấy đã tạo được lòng tin ở đối phương, đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam. Sau đó, yêu cầu người bị hại phải nộp tiền để nhận quà với các lý do khác nhau như cước vận chuyển, thuế, phí… vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt.
Nộp học online
Các đối tượng dùng mạng xã hội làm công cụ quảng cáo với chiêu trò mở lớp dạy học online (trực tuyến) miễn phí, khóa đào tạo về kinh doanh, thiết kế đồ hoạ, tiếng Anh…
Nếu đồng ý tham gia thì trung tâm sẽ tạo tài khoản cho người học, song người học phải đóng tiền trước với những lời hứa nhận học bổng trọn đời, được thầy cô nước ngoài trực tiếp giảng dạy… thực tế để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.