Cần sự tỉnh táo của cả cộng đồng
Tỉnh táo trước những thông tin xấu, độc
Mạng xã hội với nhiều tiện ích đang trở thành một trong những kênh giao tiếp thông dụng đối với rất nhiều người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị và lợi ích đem lại thì sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội đã kéo theo khá nhiều hệ lụy.
Hiện nay, nhiều đối tượng đã tung tin đồn, tin giả, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan chức năng nhằm gây hoang mang, lo sợ, kích động quần chúng Nhân dân.
Thêm vào đó, cũng có một bộ phận người dân, do chưa nhận thức đúng đắn đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin giả mạo nên vô tình đã tiếp tay, làm lan truyền với tốc độ “chóng mặt” các nội dung thất thiệt này.
Thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng khiến nhiều người dân hoang mang |
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện tin đồn: "Sáng mai HN có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu cũng phải đầy đủ giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh đi ra đường có lý do cần thiết. Cả nhà chia sẻ cho nhau biết nhé".
Tin này được chia sẻ lại nhiều lần khiến người dân hoang mang. Trao đổi với phóng viên, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định tin đồn lan truyền trên mạng xã hội này là bịa đặt.
Công an thành phố đã chỉ đạo lực lương an ninh mạng phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đang khẩn trương truy tìm tài khoản đăng thông tin sai sự thật này để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong lúc cả thành phố đang gồng mình chống dịch Covid-19 nhằm nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân thì đã xuất hiện rất nhiều tin đồn sai sự thật, thậm chí hoàn toàn bịa đặt.
Cụ thể, ngày 13 và 14/7, xuất hiện tin đồn “Từ 0 giờ ngày 15/7, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giới nghiêm người dân, ngưng tất cả các ngành nghề, cấm người dân di chuyển ra ngoài và kêu gọi người dân mua trữ lương thực".
Tiếp nhận thông tin chưa kiểm chứng này, một số người dân đã vô cùng hoang mang và đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố. Mặc dù sau đó, lãnh đạo Thành phố đã khẳng định đây là thông tin không đúng, hoàn toàn sai sự thật, là những thông tin bịa đặt nhưng một bộ phận người dân vẫn bất chấp nguy hiểm khi tiếp tục đi mua đồ tích trữ.
Hay như hiện nay đang lan truyền trên mạng xã hội tin giả về hình ảnh xác chết do Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam - VAFC (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông), hình ảnh lan truyền này là thông tin giả mạo.
Qua xác minh từ cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ thông tin từ truyền thông xã hội Myanmar và Indonesia, bức ảnh trên được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở đông nam Myanmar. VAFC đã có khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả trên. Vụ việc sẽ được VAFC chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Chung sức, đồng lòng để khống chế thành công đại dịch Covid-19
Không chỉ lan truyền các thông tin sai về tình hình dịch bệnh, nguy hiểm hơn một số tổ chức, cá nhân phản động lợi dụng cơ hội này đã kích động, xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; Phủ nhận những nỗ lực và thành quả trong công tác chống dịch, chăm lo đời sống và bảo đảm an toàn cho Nhân dân.
Tất cả những vụ đăng thông tin thất thiệt, thậm chí là bịa đặt liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 dù là vô tình hay cố ý cũng đáng lên án và phải xử lý thật nghiêm. Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất rõ ràng trong việc xử lý các trường hợp vi phạm.
Tùy mức độ vi phạm, mức nghiêm trọng về hậu quả do hành vi đó gây ra, người vi phạm có thể chịu xử lý vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.
Lực lượng chức năng xử phạt những đối tượng cung cấp thông tin sai sự thật trên mạng xã hội |
Đối với tình hình dịch bệnh như hiện nay, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, dù có phải hi sinh lợi ích kinh tế trước mắt và ngắn hạn.
Đợt dịch lần thứ 4 này được nhận định là phức tạp, khó lường. Do vậy, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền, thì mỗi người dân chính là một phần quan trọng để chúng ta khống chế thành công đại dịch Covid-19.
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo, sàng lọc thông tin trước khi tiếp nhận, đăng tải lên mạng xã hội, tránh biến mình thành công cụ phát tán thông tin giả của những kẻ có ý đồ xấu, gây hoang mang dư luận.
Người dân cần chủ động chọn lựa tiếp cận những thông tin được cập nhật kịp thời, minh bạch, chính xác từ Bộ Y tế và các báo đài chính thống đồng thời tích cực áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, cho gia đình và cộng đồng.
Mỗi người cần nói "không" với tin giả, tin sai sự thật, để trở thành một phần của "lá chắn" trước những luồng thông tin độc hại. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của lòng yêu thương, sự nhân ái, cùng chung sức, đồng lòng; Luôn tin tưởng, ủng hộ, chia sẻ với các cơ quan chức năng để Việt Nam sớm đẩy lùi dịch bệnh.